Gương sáng cải tiến kỹ thuật tại Công ty CP Sông Đà – Trường Sơn

Tại Công ty CP Sông Đà – Trường Sơn (huyện Quỳnh Lưu), mọi người đều gọi anh Lý Văn Tính – tổ trưởng tổ cơ khí (thuộc phân xưởng nghiền mịn) là “bác sĩ”, bởi không có “bệnh” gì của máy móc, thiết bị trong xưởng anh không chữa được.

Xuất phát từ đặc điểm và nhiệm vụ của công ty là sản xuất và chế biến các loại đá, anh Tính đã chủ động nghiên cứu tài liệu và theo dõi hoạt động của máy móc, đưa ra nhiều cải tiến kỹ thuật. Với ý tưởng “Cải tạo và thiết kế công suất trạm nghiền đá trắng lựa đỏ”, công suất trạm nghiền được nâng từ 25 tấn/giờ lên 30 – 35 tấn/giờ… làm lợi nhiều cho công ty. Anh Tính chia sẻ: Đa số máy móc nhập từ nước ngoài về có giá hàng tỷ đồng. Nhiều máy nhập lâu năm, các linh kiện đã cũ, hết hạn sử dụng nên thường xuyên hư hỏng, năng suất lao động không cao. Mỗi lần xảy ra sự cố, công ty tốn nhiều thời gian và chi phí sửa chữa.

Từ những kiến thức đã học và những kinh nghiệm thực tế, anh Tính đã đưa ra những ý tưởng cải tiến máy móc theo nhu cầu sản xuất của công ty. “Thay vì mất hàng trăm triệu đồng gửi đi nước ngoài sửa hoặc “đắp chiếu” bỏ không, bằng những linh kiện sẵn có, tôi “độ” lại cho phù hợp”. Nguyên lý hoạt động của máy không thay đổi nhưng tiết kiệm thời gian và đảm bảo đơn đặt hàng của khách.

Trước đây, trong quá trình vận hành, công nhân thường phải thao tác bằng tay để đổ nguyên liệu vào máy, dễ gây hao hụt do vận chuyển từ bên ngoài vào và có nguy cơ mất an toàn lao động. Nhằm khắc phục những khó khăn trên, anh Tính đã thiết kế và lắp đặt hệ thống băng chuyền vận chuyển đá thay cho sức người. Sáng kiến này được anh đăt tên là: “Cải tiến dây chuyền tuyển lựa đá” – chuyển từ thao tác thủ công sang thao tác bằng máy. Chỉ trong một tuần, sản phẩm F1 ra đời. Thời gian đầu, băng chuyền vận hành tốt. Tuy nhiên, thực tế sử dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: bánh răng liên tục bị ăn mòn do ma sát lớn, băng chuyền dễ bị kẹt đá do các con lăn nằm cách xa nhau… Trước khi cải tiến, máy chạy cần ít nhất 6 người/ca bốc liên tục để cung cấp đủ đá cho 2 máy. Sau khi cải tiến, mỗi ca chỉ cần khoảng 3 lao động đảm nhiệm công việc rửa nguyên liệu và chạy hệ thống băng chuyền, việc bốc xếp hoàn toàn được cắt giảm.

Đảm nhiệm chức Tổ trưởng cơ khí nhưng Lý Văn Tính vẫn luôn giữ nguyên tắc “miệng nói, tay làm”. Anh Tính cho biết: “Trong quá trình hoạt động, các sự cố như bụi, đá văng đập dẫn đến máy hoạt động yếu, năng suất kém và hỏng hóc dễ xảy ra. Nếu không khắc phục nhanh chóng, hoạt động sản xuất sẽ bị ngưng trệ, thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo tôi, “của bền tại người” nên người sử dụng cần chú trọng duy trì chăm sóc và bảo dưỡng máy định kỳ”. Với nguyên tắc trên, anh đã nhiều lần phát hiện và báo cáo những trường hợp bất thường của máy móc, kịp thời sửa chữa để giảm thiểu tối đa thiệt hại, mỗi năm tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng.

Văn phòng NSCL

Tin mới