Theo GS. Trần Văn Thọ, một trong những phương pháp đơn giản để tăng năng suất lao động Việt Nam là nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài rồi ứng dụng vào sản xuất.
Theo đánh giá của ông Ngô Văn Tuấn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Trong đó, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh và thị trường lao động các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, do mô hình tăng trưởng cũ, chậm đổi mới nên tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và gia tăng năng suất nói riêng đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp.
“Chúng ta có điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ tương đương 7% Singapore và tương đương 17,6% của Malaixia, 36% của Thái Lan và 87% của Lào”, ông Tuấn nhấn mạnh. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc thúc đẩy tăng năng suất, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Trước thực trạng trên, GS. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, hiện đang làm việc tại Đại học Waseda (Nhật Bản) cho rằng việc tái phân bổ nguồn lực, cách tân công nghệvà công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp là những giải pháp cần thiết để nâng cao năng suất lao động.
Theo GS. Trần Văn Thọ, so với Nhật Bản vào khoảng 60 năm trước, Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng. Thời kỳ đó, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại nhờ tăng năng suất lao động bằng cách tăng quy mô doanh nghiệp và cải tiến công nghệ. Đặc biệt, trong thập niên 50, 70, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. GS. Thọ cho rằng đây là một giải pháp đơn giản và hiệu quả mà Việt Nam chưa thực hiện tốt được.
“Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm…Ví như nếu muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước, phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài về ứng dụng vào sản xuất”, GS. Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo vị Giáo sư này, các thông tin về nhập khẩu công nghệ của Việt Nam hiện còn thiếu. Do đó, Việt Nam cần bổ sung thống kê này để nhìn được bức tranh toàn cảnh về xuất, nhập khẩu công nghệ của doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tăng tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân bằng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, lớn mạnh, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cần coi công nghiệp hóa là một bước đột phát tăng năng suất, thu hút khu vực lao động nông nghiệp, kinh tế cá thể chuyển dịch. Nói như vậy bởi khi công nghiệp hóa thực sự có chiều sâu sẽ thúc đẩy tăng quy mô, tái cơ cấu nguồn lực. Đây cũng có thể là tiền đề cho phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị cao”, GS. Thọ nói.
Liên quan tới vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho rằng cần đột phá về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Ông nhấn mạnh cần tận dụng cách mạng khoa học 4.0 như một “đòn bẩy” để tăng năng suất, tạo bước đột phá cho tăng trưởng của Việt Nam.
Thêm vào đó, cần có chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề, phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia. Làm được những điều này, Việt Nam sẽ từng bước đột phá về năng suất lao động.
Nguồn: http://vietq.vn