Không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, đa dạng chủng loại – bí quyết đó đã giúp cho các sản phẩm gốm của Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu không ngừng vươn xa.
Được lưu giữ ở 46 bảo tàng và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, sau gần 17 năm hồi sinh, các sản phẩm của Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, gốm Chu Đậu đã trở thành quà tặng không thể thiếu trong những sự kiện quan trọng bởi những giá trị văn hóa mà sản phẩm đem lại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Thức – Giám đốc Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu – cho biết: Những năm qua, chúng tôi không ngừng ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững. Nhờ đó các sản phẩm của gốm Chu Đậu không chỉ được yêu thích ở thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài.
Là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài những công đoạn đỏi hỏi phải có bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, công ty còn đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ trong các khâu chế tạo sản phẩm như làm đất, định hình, ép lăn… nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Để tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao, công ty đã không ngừng cải tiến mẫu mã trên cơ sở mẫu gốm cổ, đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ các danh lam thắng cảnh của đất nước. Đó là những di sản văn hoá thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; di sản tự nhiên như vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; di sản văn hoá của Việt Nam Khuê Văn Các, chùa Một Cột…
Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, công nghệ vẽ vàng kim đã được công ty đưa vào ứng dụng. Sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim từ khi xuất hiện trên thị trường đã được đông đảo khách hàng ưa chuộng bởi sự tinh xảo, độc đáo cũng như giá trị thẩm mỹ riêng có của dòng gốm này.
“Chúng tôi đang phát triển dòng gốm vẽ vàng và gốm đắp nổi hoa văn vẽ vàng. Những sản phẩm mới này đòi hỏi nghệ nhân chế tác phải rất tỷ mỷ, kỳ công, khó gấp nhiều lần so với gốm thông thường. Giá trị của gốm vẽ vàng kim Chu Đậu vì thế cũng cao hơn. Để gốm Chu Đậu có vẻ đẹp cao sang, quý phái, phải nhờ đến sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của những người thợ” – ông Nguyễn Hữu Thức chia sẻ.
Đáng chú ý, đỉnh cao của gốm Chu Đậu phải đạt được các tiêu chí: Chất lượng, sang trọng, có tính nghệ thuật cao và mang đậm bản sắc. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện ngôn ngữ và thông điệp riêng. Vì vậy, công ty luôn chú trọng đến các khâu sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao.
Cụ thể, quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến các công đoạn sản xuất được công ty kiểm soát hết sức chặt chẽ, nhất là khâu làm khuôn mộc cho đến khâu vẽ. Hai công đoạn này phản ánh rõ nét trình độ, chuyên môn tay nghề của người lao động.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, 17 năm qua, chưa khi nào và chưa bao giờ công ty ngừng đầu tư vào con người. Công ty đã thành lập một bộ phận thiết kế tạo mẫu; khuyến khích người lao động có tay nghề, thợ giỏi, sáng tạo nhiều sản phẩm mẫu mã mới, để nâng tầm gốm sứ từ sản phẩm thông thường, đến sản phẩm cao cấp với nét tinh xảo, độc đáo mang đặc trưng riêng của Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu.
Người lao động được doanh nghiệp tạo môi trường làm việc việc tốt, đi kèm việc bảo đảm chính sách, quyền lợi nên luôn yêu nghề, gắn bó với doanh nghiệp. Đó chính là chiến lược nòng cốt có tính chất sống còn của gốm Chu Đậu. Cùng với đó là chính sách đầu tư và tái đầu tư triệt để từ cơ sở vật chất, kỹ thuật đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cuối năm 2018, Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội và là thành viên mới của Tập đoàn BRG. Thời gian tới, việc phát triển của công ty sẽ theo định hướng chung của Tập đoàn BRG và Tổng công ty thương mại Hà Nội. Đó là tiếp tục đầu tư cho sản xuất cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công Thương