Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại tỉnh Ninh Thuận, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc được biết đến với những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm, đã đi vào không gian sống của người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng mở ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, làng nghề đang còn nhiều hạn chế do tính chất sản xuất nhỏ, sản phẩm chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gốm cùng loại. Thông qua nguồn kinh phí khuyến công, gốm Bàu Trúc đã và đang đầu tư cải tiến nâng cao từ quy mô tới năng suất, chất lượng sản phẩm.
Được biết, làng nghề gốm Báu Trúc có đến hơn 400 hộ làm nghề gốm, các cơ sở đều được hỗ trợ nhiều mặt từ chương trình, chính sách khuyến công của tỉnh như đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, tham quan học tập kinh nghiệm các làng gốm trong cả nước… Dù vậy, sản xuất gốm tại đây vẫn hạn chế do là cách nung truyền thống (nung ngoài trời) vẫn chưa được cải tiến ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng chưa đánh giá cao chất lượng nung của gốm Bàu Trúc, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm đang giảm dần.
Nhờ sự quan tâm của các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của cơ sở sản xuất, những khó khăn dần được tháo gỡ. Để tiếp sức cho làng nghề sản xuất gốm, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Sở Công Thương Ninh Thuận đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho 2 cơ sở sản xuất gốm ở Bàu Trúc để đầu tư lò nung gốm theo mô hình lò nung gốm Thanh Hà (Quảng Nam) nhằm cải thiện khâu yếu nhất về chất lượng của gốm Bàu Trúc hiện nay.
Các cơ sở gốm đã nhân rộng cách nung gốm bằng lò nung nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa sản phẩm hư hỏng do nứt, bể; giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi; hơn hết cách nung này giảm khói bụi đáng kể so với cách nung ngoài trời, giảm hao phí nhiên liệu … Bên cạnh đó, năng suất được nâng cao khi lò nung gốm đáp ứng được những sản phẩm cỡ lớn hơn. Lò nung còn cho phép người thợ gốm Bàu Trúc thực hiện các kỹ thuật tạo màu cho da gốm như cách nung truyền và có thể sử dụng nung gốm trong cả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Từ việc chuyển đổi phương pháp nung lộ thiên sang mô hình lò nung là đã giúp làng nghề cùng lúc giải quyết được rất nhiều vấn đề. Giờ đây việc sản xuất gốm ở Bàu Trúc không còn phụ thuộc vào thời tiết, có thể sản xuất quanh năm, chất lượng sản phẩm sau khi nung đồng đều, ổn định sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Văn phòng NSCL tổng hợp