Trong 4 nhóm yếu tố cấu thành hệ thống Lean, nhân tố kiểm soát và sự tham gia của con người (Control and human factors) đóng vai trò quan trọng nhất.
Nhân tố kiểm soát và sự tham gia của con người
Công nghiệp 4.0 là nền tảng tốt để thực hiện TPM (Bảo trì hiệu suất thiết bị tổng thể) với hệ thống thông báo lỗi và sự cố tự động. Đồng thời, việc thông báo lỗi cũng kích hoạt hệ thống e-kanban nhằm sắp xếp lại kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp. Nhân viên bảo trì có thể dễ dàng tham khảo các phân tích từ công nghệ điện toán đám mây để thực hiện bảo trì dự phòng, hoặc sửa chữa các lỗi lặp lại nhờ dữ liệu đã được mã hóa từ trước.
Bên cạnh đó, nhờ RFID, các cảm biến được liên kết với từng thiết bị sẽ dễ dàng ghi lại trạng thái của chúng trong những khoảng thời gian dừng máy ngoài kế hoạch, từ đó giúp các nhà quản lý phân tích và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mặt khác, ứng dụng Internet vạn vật có thể tích hợp thông tin từ nhiều thiết bị khác nhau để tổng hợp lại và đưa ra phương pháp hạn chế sai lỗi trong quá trình sản xuất.
Sự tham gia của nhân viên
Với ứng dụng Công nghiệp 4.0, nhân viên vận hành có thể cung cấp phản hồi ngay lập tức trong thời gian thực thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Dữ liệu vận hành được lưu trữ trong kho dữ liệu bởi Big data, và bất kì ai có thẩm quyền đều có thể truy cập để xem những dữ liệu này. Việc đánh giá hiệu suất làm việc của công nhân (tốc độ, độ chính xác, động lực…) cũng được đơn giản hóa và trực quan hóa thông qua các giao diện thực tế tăng cường trong hệ thống hỗ trợ.
Làm thế nào các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tích hợp Lean với ứng dụng Công nghiệp 4.0
Việc tích hợ Lean và ứng dụng Công nghiệp 4.0 mang lại cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm năng để cải thiện đáng kể năng suất chất lượng. Khi robot ngày càng rẻ hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn; việc sử dụng cảm biến, ứng dụng kỹ thuật, thuật toán phân tích nâng cao ngày càng trở nên phổ biến, thì việc tích hợp Lean với Công nghiệp 4.0 không còn là giấc mơ xa vời đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc đầu tư chuyên sâu sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi tổ chức vẫn là vấn đề đáng lưu tâm với các nhà quản lý, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hầu hết các nghiên cứu tổng thể về Công nghiệp 4.0 mới chỉ thành công trên lý thuyết hoặc đang trong những thử nghiệm ban đầu. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra những nhận định thuyết phục về các giải pháp khả thi để cân bằng chi phí và lợi ích một cách toàn diện. Bởi vậy, bất kì tổ chức nào muốn tiếp cận Công nghiệp 4.0 đều cần tự trang bị cho mình kiến thức về những ứng dụng của nó, đồng thời bắt đầu nghiên cứu với quy mô nhỏ và cải tiến liên tục theo cách mà họ có thể kiểm soát được. Ban lãnh đạo cấp cao cũng cần tham gia trực tiếp và quá trình này để đảm bảo việc tích hợp được thực hiện thành công.