Giấm gỗ Biffa: Cải thiện chất lượng nhờ nghiên cứu sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên

Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên là kết quả của đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giấm gỗ từ cây nguyên liệu bạch đàn” do Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Ðịnh (Biffa) thực hiện. Sản phẩm đã mang lại nhiều lợi ích không ngờ về cả mặt kinh tế và môi trường cho công ty.

Là đơn vị có truyền thống sản xuất than gỗ sinh học từ cây nguyên liệu bạch đàn, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời tìm ra biện pháp xử lý khói thải trong sản xuất, bộ phận phát triên sản phẩm của công ty Biffa đã bắt tay vào nghiên cứu dung dịch giấm gỗ để phục vụ mục đích cải tạo đất, bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, bảo quản lương thực thực phẩm, kích thích khả năng tiêu hóa thức ăn của vật nuôi, khử mùi hôi của rác thải và làm sạch môi trường.

Giấm gỗ (còn gọi là pyroligneous acid, có tên tiếng Anh là wood vinegar) là chất lỏng màu nâu được sản xuất từ quá trình chưng cất gỗ và các vật liệu thực vật khác. Trong giấm gỗ bao gồm nhiều loại hợp chất hữu cơ nhưng khoảng 80-90% là thành phần nước. Trong 10-20% còn lại bao gồm rất nhiều các thành phần khác là các loại cồn, ester, axit, phenol, Aldehyd. Thành phần có nhiều trong giấm gỗ là axit axetic (từ 3-5%) và phenol (khoảng 5%).

Giấm gỗ sinh học được sản xuất bằng cách hóa lỏng khí thải từ lò nhiệt phân sản xuất than sinh học có nguồn gốc gỗ bạch đàn, khí ngưng tụ rồi được chưng cất. Sản phẩm được khảo nghiệm tại một số vườn rau hữu cơ, cho kết quả xua đuổi, ngăn ngừa tốt một số sâu bệnh hại, vườn rau phát triển ổn định; khảo nghiệm tại một số hộ chăn nuôi cho kết quả khử mùi hôi tốt.

Từ năm 2016, Công ty Cổ phần và Dịch vụ phân bón Bình Định (BIFFA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới (TARRC), cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm Dấm gỗ tại Việt Nam. Ngay sau khi sản xuất thử nghiệm thành công, sản phẩm Dấm gỗ đã được TARCC và Biffa thử nghiệm trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau như lúa, cây ăn trái (thanh long, nhãn, mãng cầu, xoài, ổi, chanh, cam, quýt, bưởi), rau màu (rau ăn lá và rau ăn trái các loại), hồ tiêu và cà phê. Đồng thời, sản phẩm cũng được sử dụng trong ủ phân bón, xử lý chuồng trại chăn nuôi, xử lý nấm mốc và chuột gián trong nhà đều cho hiệu quả rất tốt.

Các thử nghiệm sản phẩm Dấm gỗ của BIFFA và TARRC mặc dù vẫn đang trong thời gian thực hiện nhưng nhiều đối tượng cây trồng đã có biểu hiện tích cực rõ rệt về khả năng phòng trừ nấm khuẩn như là bệnh đốm nâu ở cây thanh long; nấm muội đen và rầy trên mãng cầu, ổi, cam, chanh, bưởi; bệnh sương mai và rầy xanh trên bầu, bí, mướp và dưa lê. Đặc biệt, ở mức pha loãng Dấm gỗ thích hợp (1:70), bệnh thối rễ ở lan hồ điệp trong vườn ươm cũng được cả thiện đáng kể.

Việc canh tác rau hữu cơ bằng việc sử dụng phân hữu cơ sinh học BotaniGro và giấm gỗ trong phòng trừ sâu bệnh hại đã chỉ ra tầm quan trọng của phân bón hữu cơ cũng như các chất thảo mộc đến sức khỏe cây, năng suất, chất lượng rau ăn lá và rau ăn trái. Cụ thể, Dấm gỗ ở mức pha loãng 40 – 60 lần có hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh hại cho rau muống, dền tiều và mướp đắng với số lần phun định kỳ 7 ngày/lần. Bên cạnh đó, việc áp dụng giấm gỗ kết hợp dầu neem trong phòng bệnh cho cây giúp cải thiện đáng kể chất lượng đất canh tác.

Chính nhờ những ưu thế trên, sản phẩm giấm gỗ của Biffa đang có nhiều tiềm năng trở thành sản phẩm sinh học thay thế cho các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, đồng thời đảm bảo việc phát triển của nông sản và chất lượng an toàn thực phẩm.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới