Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tạo dựng nền tảng về NSCL và trở thành một yếu tố quyết định trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhận thức này ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng cùng với sự tiến triển của cách thức thực hành chất lượng, từ kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng cho đến quản lý chất lượng theo quá trình và quản lý chất lượng toàn diện.
Hoạt động năng suất – chất lượng tại Việt Nam được khởi xướng từ năm 1995 tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã phát động Thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996 – 2005) tạo bước khởi đầu quan trọng cho việc quảng bá và thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất – chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hình thành từ Phong trào năng suất – chất lượng tại Việt Nam, hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển và thành công của Phong trào trong hai thập niên vừa qua (1996 – 2016) hướng tới mục tiêu là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất – chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất – chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất – chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Những đóng góp của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với Phong trào năng suất – chất lượng thể hiện ở những khía cạnh sau:
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thể hiện chính sách quốc gia về năng suất – chất lượng của Việt Nam thông qua việc triển khai Phong trào năng suất – chất lượng trên quy mô toàn quốc. Về thực chất, Giải thưởng chất lượng của các quốc gia trên thế giới không chỉ đơn thuần là giải thưởng được trao tặng trong những cuộc thi thông thường mà chúng chính là các hình thức thể hiện chính sách trong lĩnh vực năng suất – chất lượng của các quốc gia. Do đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cũng định hướng theo mục tiêu này.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải hoàn thiện chiến lược hoạt động. Các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trước hết, cần xác định được rằng việc được trao giải là quan trọng, nhưng chấp nhận và áp dụng các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia để hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trên cơ sở cơ cấu hoá và hệ thống hoá các công việc trong nội bộ doanh nghiệp theo định hướng cải tiến và đổi mới liên tục mới là mục tiêu ưu tiên.
Mô hình và các tiêu chí của các Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đều hướng tới việc nâng cao chất lượng quản lý của doanh nghiệp. Mô hình Giải thưởng chất lượng được hiểu là tập hợp các tiêu chí đánh giá có mối liên hệ tương tác và chặt chẽ. Trên cơ sở nghiên cứu và xem xét chúng các tiêu chí Giải thưởng, doanh nghiệp sử dụng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như một công cụ cải tiến và hoàn thiện hoạt động của mình.
Áp dụng mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia doanh nghiệp có thể xác định hiện trạng chất lượng hệ thống quản lý, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp. Ngay cả các doanh nghiệp không tham dự xét thưởng hàng năm cũng có thể áp dụng mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho mục đích tự đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý.
Thực tiễn 20 năm triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho thấy, những doanh nghiệp đạt Giải thưởng là những doanh nghiệp điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật, đi đầu tham gia trong phong trào năng suất – chất lượng và đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ là hình thức tôn vinh về chất lượng cho các doanh nghiệp tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố mà còn là một hoạt động quan trọng để lôi cuốn doanh nghiệp tại địa phương tham gia vào các hoạt động khác của phong trào năng suất – chất lượng, cổ vũ và duy trì hiệu quả Phong trào năng suất – chất lượng tại các địa phương.
Những đóng góp của hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho Phong trào năng suất – chất lượng càng nhiều và tích cực hơn nếu Giải thưởng được xem là một công cụ cải tiến hữu hiệu đối với doanh nghiệp, đồng thời gắn kết hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với các hoạt động khác của Phong trào cũng như các chương trình quốc gia khác, triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nói riêng và Phong trào năng suất – chất lượng nói chung cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng bộ từ trung ương đến địa phương để mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng doanh nghiệp.