Hội thảo “Hoàn thiện mô hình hoạt động của Doanh nghiệp theo các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia” vừa được tổ chức ngày tổ chức ngày 13/12/2019 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, với 24 năm hình thành và phát triển, được xây dựng, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia gồm 7 tiêu chí khắt khe, khoa học và toàn diện đánh giá mọi mặt hoạt động và kết quả của tổ chức/doanh nghiệp.
Các tiêu chí đều dựa trên các nguyên tắc hiện đại (hướng tới khách hàng, quản lý quá trình, quản lý theo hệ thống, …) và phương pháp quản lý và công cụ cải tiến tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, TQM, LEAN, 5S, Benchmaking, Best practices …). Hội đồng quốc gia quyết định danh sách các doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia gồm 2 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Hàng năm những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý chất lượng, tham gia tích cực vào phong trào năng suất, chất lượng tại địa phương và đóng góp cho cộng đồng, xã hội sẽ được xét trao tặng Giải thưởng chất lượng Quốc gia.
Theo lãnh đạo công ty DOVINA cho biết “Tham gia giải thưởng Chất lượng quốc gia, chúng tôi được đánh giá toàn diện dựa trên 7 tiêu chí của giải thưởng. Thông qua đánh giá các tiêu chí này chúng tôi có thể nhìn lại và đánh giá toàn diện hệ thống sản xuất của mình, từ đó tìm ra các vấn đề cần cải tiến chất lượng, nâng cao uy tín thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập”.
Vươn tới Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương
Cho đến nay đã có 1.914 lượt doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong số đó có 240 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Giải thưởng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội nhận thức rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó có những biện pháp đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất… góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và hướng tới sự phát triển bền vững.
Dựa trên nền tảng đó, từ năm 2000 – 2019, Việt Nam đã có 50 tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương và là quốc gia có số lượng tổ chức, doanh nghiệp đạt giải lớn nhất trong số các quốc gia thành viên của APQO (theo chia sẻ của ông Harnek Singh – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) tại Hội thảo).
Trong thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI, các hiệp hội ngành nghề để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình GTCLQG, Giải thưởng Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Văn phòng NSCL tổng hợp