Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Mỹ (Malcolm Baldrige)

Ngày 20/8/1987, Tổng thống Mỹ Ronan Ri-gân đã ký sắc lệnh thông qua Luật số 100-107 về thiết lập Giải thưởng Malcolm Baldrige – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Mỹ mang tên vị Bộ trưởng Bộ Thương mại mới tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông trước đó.

Trích đoạn sau đây trong Luật thiết lập MBA – Luật số 100 – 107 của Mỹ sẽ cho chúng ta hiểu rõ về lý do ra đời của giải thưởng này: “Sự dẫn đầu của nước Mỹ trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và chất lượng các quá trình đã bị tước đoạt (và đôi khi khá ngoạn mục) bởi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và mức độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân của chúng ta trong hai thập niên gần đây luôn thấp hơn mức độ tăng trưởng của các đối thủ cạnh tranh”.

Thời điểm thiết lập MBA cũng chính là thời điểm chính phủ Mỹ tuyên bố cuộc chiến tranh không khoan nhượng về chất lượng nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ chống lại áp lực của các đối thủ cạnh tranh để từ đó vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế (diễn ra trong thập niên 1980 tại Mỹ). Sự ra đời của MBA chính là sự khẳng định cách tiếp cận mới về nguyên tắc trong quản lý công ty.

Trong 10 năm đầu, hàng năm tối đa chỉ có 6 giải thưởng MBA được trao cho 3 loại hình tổ chức: sản xuất, dịch vụ và doanh nghiệp nhỏ (tối đa có 2 giải thưởng cho mỗi loại hình). Ngày 30/10/1998, Tổng thống Bill Clintơn đã ký Sắc lệnh bổ sung thêm 2 loại hình tổ chức nữa là Giáo dục và Y tế cùng với quy định mới về việc tối đa có 3 giải thưởng cho mỗi loại hình trong số 5 loại hình tổ chức đã được quy định. Tháng 10/2004, Tổng thống George Bush đã ký Sắc lệnh uỷ quyền cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) mở rộng chương trình MBA để bao hàm cả các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức chính phủ. Từ năm 2006, chương trình MBA sẽ được áp dụng cho cả các tổ chức phi lợi nhuận.

Tại lễ trao giải thưởng MBA năm 2000, Tổng thống George Bush đã nhấn mạnh: “Các tiêu chí của MBA là những tiêu chuẩn tuyệt vời đối với các công ty, làm căn cứ để các công ty phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo trong kinh doanh. Tham gia MBA là cơ hội để các công ty nhìn lại mình bằng con mắt của người tiêu dùng và thị trường. Giải thưởng MBA đã trở thành tiêu chuẩn thế giới và điều này được khẳng định thông qua sự hình thành với số lượng ngày càng gia tăng của các chương trình tương tự trên toàn thế giới”.

Các giải thưởng MBA được xét trao cho các tổ chức thuộc 5 loại hình tổ chức như sau:

– Doanh nghiệp sản xuất; – Doanh nghiệp dịch vụ; – Doanh nghiệp nhỏ (có số lượng người lao động dưới 500 người); – Tổ chức giáo dục; – Tổ chức y tế.

Mỗi loại hình tổ chức chỉ được trao 2 giải thưởng mỗi năm.

Do MBA được thiết lập trên cơ sở nghiên cứu mô hình của Giải thưởng Deming nên, nhìn chung, cả hai giải thưởng này có những yêu cầu tương đối giống nhau, đặc biệt là về các tiêu chí đánh giá tổ chức tham dự. Tuy nhiên, các tiêu chí của MBA được quy định chi tiết và cụ thể hơn so với các tiêu chí của Giải thưởng Deming và hệ thống đánh giá giữa hai chương trình giải thưởng này cũng có những sự khác biệt đáng kể.

Quá trình triển khai chương trình MBA hàng năm được thực hiện như sau:

Trước hết, các tổ chức tham dự phải nộp đề nghị tham dự. đề nghị tham dự này được nhóm chuyên gia của Hội đồng các chuyên gia xét thưởng (Examiners Board) xem xét. Hội đồng này bao gồm khoảng 150 chuyên gia chất lượng được lựa chọn từ các ngành công nghiệp, cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học. Khi được chấp nhận, tổ chức tham dự phải nộp hồ sơ tham dự. Sau giai đoạn thẩm xét hồ sơ, các tổ chức tham dự sẽ bước vào giai đoạn đánh giá và xét thưởng gồm 4 bước sau đây:

– Bước 1: Đánh giá độc lập của các chuyên gia đánh giá; – Bước 2: Đánh giá thống nhất của nhóm chuyên gia đánh giá (mỗi nhóm gồm ít nhất là 6 chuyên gia đánh giá); – Bước 3: Đánh giá tại chỗ; – Bước 4: Lựa chọn và xét thưởng.

MBA 2005 có 7 tiêu chí đánh giá, mỗi tiêu chí ứng với số điểm tối đa quy định, đó là:

Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm – 12%): Tiêu chí 2: Hoạch định chiến lược (85 điểm – 8,5%): Tiêu chí 3: Định hướng khách hàng và thị trường (85 điểm – 8,5%) Tiêu chí 4: Đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm – 9%) Tiêu chí 5: Phát triển nguồn nhân lực (85 điểm – 8,5%) Tiêu chí 6: Quản lý các quá trình (85 điểm – 8,5%) Tiêu chí 7: Kết quả hoạt động (450 điểm – 45%)

Toàn bộ 7 tiêu chí nêu trên đều là những yêu cầu cơ bản rất cần thiết cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của bất kỳ tổ chức nào. 7 tiêu chí trên được cụ thể hoá thành 18 hạng mục đánh giá và 32 nội dung đánh giá cụ thể. Việc đánh giá cho điểm đối với từng nội dung, hạng mục và tiêu chí được tiến hành trên cơ sở 3 khía cạnh đánh giá, đó là: Tiếp cận, Thực hiện và Kết quả.

Số liệu thống kê cho thấy:

– Thời gian mà chuyên gia đánh giá giành cho việc đánh giá một hồ sơ tham dự thường là 30-40 giờ làm việc và tất cả các chuyên gia đánh giá đều tham dự bước đánh giá này; – Thông thường, khoảng 70% chuyên gia đánh giá tham dự các cuộc đánh giá thống nhất và các cuộc đánh giá này thường được tổ chức dưới hình thức cuộc họp điện tử từ xa và để đi đến sự thống nhất, mỗi nhóm thườnh mất khoảng 2 – 6 ngày làm việc; – Khoảng 35-45% chuyên gia đánh giá tham dự các cuộc đánh giá tại chỗ và mỗi cuộc đánh giá thường kéo dài khoangr 5-10 ngày làm việc; – Một số ít chuyên gia đánh giá hàng đầu tham gia vào việc chuẩn bị dự thảo báo cáo đánh giá.

Lệ phí tham dự chương trình MBA đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất-kinh doanh-dịch vụ được quy định như sau:

Tính bằng USD

Loại hình DN Phí đăng ký Phí tham dự Phí bổ sung (nếu có) Phí đánh giá tại chỗ
DN sản xuất 150 5 2 20.000-35.000
DN dịch vụ 150 5 2 20.000-35.000
DN nhỏ 150 2 1 10.000-17.000
  Khi kết thúc chương trình MBA hàng năm, các tổ chức tham dự đều nhận được báo cáo đánh giá dưới dạng văn bản. Báo cáo đánh giá nêu rõ những mặt mạnh và cơ hội cải tiến theo 7 tiêu chí của giải thưởng. Ngoài ra, các tổ chức được trao giải thưởng còn có quyền công bố và quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức khác nhau về kết quả tham dự MBA của mình.

Trách nhiệm quản lý – điều hành các chương trình MBA hàng năm được giao cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) với sự hợp tác và hỗ trợ của Hội Chất lượng Mỹ (ASQ).

giaithuong.org.vn

Tin mới