Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế chung của thế giới, năng suất và chất lượng là vấn đề trọng yếu giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Giải thưởng Chất lượng quốc gia là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, do Thủ tướng Chính phủ tặng hằng năm và thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (APQO). Thực tiễn hơn 20 năm qua cho thấy, những doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là những doanh nghiệp điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật, đi đầu tham gia trong phong trào năng suất – chất lượng và đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Thủ tướng Chính phủ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho những doanh nghiệp tiêu biểu về năng suất, chất lượng cũng là một cách ghi nhận những hiệu quả của hoạt động sản xuất – kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, sự động viên, khuyến khích của toàn xã hội với những doanh nghiệp này… Việc đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia càng khẳng định được vị thế, vai trò, những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp để tự hoàn thiện mình. Tại buổi họp báo công bố giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia GTCLQG cho biết, Giải thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là hình thức tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Giải thưởng còn là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. “Tham dự Giải thưởng, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có cơ hội được học hỏi, cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng các thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất’, ông Vinh cho biết. Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng – Ladophar cho biết, khi tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, doanh nghiệp phải tự đánh giá các hoạt động của mình theo 7 bộ tiêu chí của giải thưởng. Qua đó, nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội cải tiến, định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững. “Điều quan trọng hơn cả là Giải thưởng đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao được năng suất, chất lượng cho sản phẩm, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước”, bà Hương chia sẻ. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thể – Phó TGĐ Công ty CP sản xuất Thép Việt Đức cũng cho rằng, bên cạnh nhiều giải thưởng danh giá, năm 2016, công ty nhận được giải Vàng Giải thưởng chất lượng quốc gia, qua việc áp dụng các hệ thống quản trị, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Giải thưởng không những tôn vinh DN mà còn là thước đo thông qua các tiêu chí để DN tự đánh và hoàn thiện mình. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển phong trào nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu Việt. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cũng cho hay, với Giải thưởng GPEA năm 2016 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong bề dày hoạt động của Tổng công ty vì Giải thưởng GPEA chỉ được trao cho các tổ chức, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì vậy, có thể thấy rằng, ngoài ý nghĩa tôn vinh, khen thưởng, mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia còn là công cụ tự đánh giá, tự xem xét lại toàn bộ hệ thống quản lý của Công ty từ đó nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là một nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.Nguồn: doisongphapluat.com