Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2018: Tôn vinh doanh nghiệp Việt

Ngày 18/6, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) họp báo lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG); giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương năm 2018.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội đồng GTCLQG năm 2018 cho biết, GTCLQG là giải thưởng duy nhất về chất lượng ở cấp quốc gia nhằm tôn vinh các DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo đó, tính đến ngày 30/5/2018, có gần 130 DN đăng ký tham dự GTCLQG năm 2018. Qua tiến hành xem xét, đánh giá trên hồ sơ và tại DN có 80 DN của 39 tỉnh, TP đủ điều kiện theo các tiêu chí của giải thưởng.

Ngày 10/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định số 543/QĐ-TTg về việc trao GTCLQG cho 75 DN, trong đó 22 DN được trao giải Vàng Chất lượng quốc gia và 53 DN được trao GTCLQG. Số liệu thống kê về doanh thu của 75 DN đạt giải là 106.000 tỷ đồng; lợi nhuận ước tính hơn 10.000 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 55.000 lao động.

Qua 24 năm hình thành và phát triển, có 1.914 lượt DN đạt Giải thưởng Chất lượng. Trong đó, có 240 DN đạt giải Vàng. Đặc biệt, trong các DN Việt Nam đạt GTCLQG, đã có 46 DN tiêu biểu được vinh danh ở cấp độ quốc tế được tặng giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á — Thái Bình Dương (GPEA). Trong đó, 3 năm gần đây (2016-2018), ước tính doanh thu của các DN đạt giải là hơn 500.000 tỷ đồng; lợi nhuận là hơn 36.000 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho gần 170.000 người lao động.

GTCLQG đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các DN, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội; tôn vinh xứng đáng những DN đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực canh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Chia sẻ về những lợi ích trong việc áp dụng các tiêu chí của GTCLQG để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng suất lao động, bà Hà Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam chi nhánh tại Hà Nội cho biết, GTCLQG là cơ hội để DN tự đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu của DN. Qua các tiêu chí của GTCLQG đã giúp cho Công ty Vedan tự học hỏi, tự kiểm tra và đánh giá những hệ thống quản lý chất lượng nói chung và hệ thống riêng của công ty đối với chất lượng sản phẩm. Trong quá trình đánh giá liên tục như vậy, có những vướng mắc gì, công ty sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, sẽ có những cải tiến không ngừng nâng cao chất lượng để sản phẩm ngày một tốt hơn góp phần vào DN phát triển bền vững của công ty.

Nguồn: Kinh tế đô thị

Tin mới