Với tình hình khó khăn chung của ngành Dệt may, các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư cho công nghệ sản xuất, cải tiến thiết bị nhằm mục tiêu giảm áp lực về thời gian giao hàng, giúp Việt Nam tăng cường năng lực chuỗi cung ứng trong ngành Dệt may.
Tổng công ty May 10 là doanh nghiệp vẫn khẳng định được thương hiệu, giá trị trong thời kì khó khăn của ngành Dệt may nhờ việc mạnh tay đầu tư cho thiết bị mới và cải tiến dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động, làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Trước kia, một dây chuyền sản xuất áo sơ mi cần hai người làm, nhưng với công nghệ hiện đại một công nhân có thể làm được việc của ba người, năng suất cũng tăng lên gấp ba lần. Ngoài ra, May 10 còn đầu tư máy cắt tự động để đảm bảo độ đồng đều và chính xác cao cho sản phẩm.
Trong bối cảnh thị trường yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày một cao, nhưng sự cạnh tranh dẫn đến giá cả lại ngày một thấp, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực chuỗi cung ứng toàn cầu, và đầu tư mạnh vào các phần mềm, công nghệ hiện đại, ví dụ như phần mềm thiết kế 3D đang mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp Dệt may.
Trong ASEAN, các nước Thái Lan, Malaysia có thế mạnh về sản xuất dệt, nhuộm, Việt Nam có thế mạnh về may mặc. Để phát huy tối đa thế mạnh của các nước, việc liên kết thành chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng trong khối ASEAN là rất quan trọng, hơn nữa có thể tạo dựng các mắt xích chắc chắn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Park Jun Ho- Giám đốc văn phòng đại diện Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thì việc đầu tư cho công nghệ sản xuất cần phải thực hiện để tăng năng lực chuỗi cung ứng. Tuổi đời của một sản phẩm thời trang rất ngắn, yêu cầu của các nhà phân phối cũng thay đổi nhanh. Để đáp ứng được, Việt Nam cần có khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành Dệt may nhằm kết nối các công đoạn sản xuất với nhau. Bên cạnh đó, ông Park Jun Ho cũng nhận xét: “Doanh nghiệp nên đặt vào vị trí của người tiêu dùng để tìm hiểu nhu cầu về nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm, như vậy có thể dễ dàng thâm nhập thị trường thay vì chỉ sản xuất những gì có thể”.
Thời kì khó khăn của ngành Dệt may được dự đoán sẽ còn kéo dài sang năm 2017. Để khắc phục, ngành Dệt may cần tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm thêm thị trường tiêu thụ. Theo ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam: “Khi thị trường bão hòa, tiếp tục làm qua khâu trung gian sẽ không còn khả năng cạnh tranh, do đó doanh nghiệp phải nỗ lực đẩy mạnh khả năng giao dịch trực tiếp, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giao hàng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh”.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)