Giải pháp quản lý chất lượng mủ cao su

Ngày 29/6/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức hội thảo “Quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu”. Đây là một trong những hoạt động của VRA nhằm hướng đến mục tiêu quản lý và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.

Hầu hết các đại biểu đến tham dự hội thảo đều cho rằng công tác quản lý chất lượng mủ cao su của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA – cho biết: “Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào để làm cơ sở kiểm tra, xử lý sai phạm. Hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su để tăng tổng hàm lượng chất rắn (TSC: Total Solid Content) đã xảy ra nhiều nơi từ năm 2011 và ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đã làm một số nhà máy khó đảm bảo chất lượng sản phẩm cao su đầu ra”.

Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chia sẻ, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm cao su, VRG đã áp dụng giải pháp quản lý chất lượng nguyên liệu từ vườn cây đưa vào nhà máy bằng các tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) của Tập đoàn: TCCS 101, TCCS 102, TCCS 103 về quy trình chế biến cao su khối. Tập đoàn đang xây dựng TCCS 111 về nguyên liệu mủ đầu vào, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2016.

Cũng bàn về giải pháp xác định chất lượng mủ cao su nguyên liệu, Ông Nguyễn Thành Được – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng- cho rằng, mua bán mủ nước theo hàm lượng cao su khô (DRC) vừa là biện pháp quản lý chất lượng nguyên liệu vừa là cách bảo đảm giao dịch công bằng giữa người mua và người bán. Đây là phương pháp được áp dụng từ lâu ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka.

Chia sẻ về cách quản lý chất lượng cao su ở Malaysia, ông Cheah Tim Sang – Phó Giám đốc nhà máy thuộc Công ty R1 International Pte Ltd cho hay: Tại Malaysia, chất lượng cao su được quản lý chặt chẽ từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất khẩu. Chỉ những người có giấy phép của Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) mới được hành nghề thu mua mủ cao su; Chất lượng mủ cao su được xác định bằng phương pháp DRC chứ không phải bằng phương pháp TSC như Việt Nam; Ngoài ra, tất cả lô hàng cao su xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn và có giấy kiểm phẩm từ các phòng kiểm nghiệm do MRB chứng nhận.

Trước thực trạng chất lượng cao su Việt Nam không đồng đều, các đại biểu tham gia Hội nghị rất đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Bích đến từ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nguyên liệu đầu vào và ban hành quy trình kiểm soát đảm bảo công tác thu hoạch, bảo quản và vận chuyển cao su nguyên liệu.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới