Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại VNSTEEL

Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL là một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP. Được đánh giá là đơn vị có công nghệ hiện đại hơn so với các đơn vị khác trong cùng hệ thống VNSTEEL, song với cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, Thép miền Nam đã dần mất đi lợi thế. Đến cuối năm 2014, sau khi được Tổng công ty Thép cho phép chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình TNHH MTV, được trao quyền tự quyết, Thép miền Nam đã tiến hành triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng tối đa máy móc dây chuyền và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổ chức lại bộ máy sản xuất Bộ máy sản xuất của Thép miền Nam – VNSTEEL vốn rất cồng kềnh, dàn trải, việc sắp xếp người chưa đúng dẫn đến hiệu suất công việc không cao, vì vậy, Công ty đã tổ chức lại theo hướng tinh giản, hiệu quả. Chẳng hạn như bộ phận bảo trì, trước đây ở mỗi phân xưởng có một nhóm bảo trì, bây giờ các nhóm được tập hợp lại thành tổ bảo trì tập trung để tạo ra sức mạnh tổng hợp và sự linh hoạt. Ngoài ra, cách thức bảo trì cũng thay đổi, từ bảo trì theo tình huống phát sinh hỏng đâu sửa đó, chuyển sang bảo trì phòng ngừa, chủ động không để xảy ra sự cố giúp nâng cao hiệu suất của thiết bị. Việc thực hiện bảo trì tự quản giúp công nhân hăng hái lao động hơn vì họ thấy được quyền tự chủ của mình. Giao trách nhiệm cụ thể Trước đây, chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến đầu ra không tập trung, phân tán. Chẳng hạn như đầu vào nguyên liệu với đầu ra sản phẩm của Thép miền Nam – VNSTEEL hoàn toàn do các phòng, các ban của Tổng công ty quản lý, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nhưng khó truy tìm nguyên nhân. Để tránh tình trạng cha chung không ai khóc, Công ty thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận gồm có các quản đốc, trưởng phòng, nhằm tăng tính chủ động cho lực lượng chủ chốt. Khối lượng công việc của các bộ phận được định lượng rõ ràng, được giám sát tiến độ thực hiện và được báo cáo định kỳ trong các cuộc họp. Thay đổi chiến lược  kế hoạch về đầu vào phế liệu và phụ tùng Đầu vào phế liệu, phụ tùng chiếm tới 70% chi phí sản xuất, do đó, thay đổi chiến lược kế hoạch là vấn đề trọng tậm cần đổi mới. Đặc thù của Thép miền Nam – VNSTEEL là nhập khẩu 70% và sử dụng phế liệu trong nước 30%, do vậy phải có sự phân tích thị trường rất sát để lên kế hoạch mua cho phù hợp. Phế liệu mua hiệu quả thì sản xuất hiệu quả. Yêu cầu này đòi hỏi công tác đánh giá, phân tích về đầu vào của Thép miền Nam – VNSTEEL trở nên chuyên nghiệp hơn. Việc đánh giá và phân tích được thực hiện và báo cáo hàng ngày giúp lãnh đạo Công ty kịp thời đưa ra được những quyết cần thiết. Tái cấu trúc bộ máy kinh doanh Hệ thống phân phối của Tổng công ty Thép Việt Nam thông qua một hệ thống trung gian là các chi nhánh, điều này làm cho sản phẩm của các công ty sản xuất, trong đó có Thép miền Nam – VNSTEEL tới tay người tiêu dùng đều đã bị tăng chi phí, từ đó dẫn đến công tác dịch vụ kém, thị trường, thị phần thu hẹp dần, người tiêu dùng, các hệ thống phân phối quay lưng lại với sản phẩm của Công ty. Trước khó khăn này, Công ty đã đưa ra quyết định táo bạo là xóa bỏ hệ thống chi nhánh trực thuộc, củng cố và phát triển hệ thống phân phối trực tiếp thông qua các đại lý. Với việc tìm hiệu nguyện vọng của các nhà phân phối cấp 1, bằng các cam kết và định hướng mới, Công ty đã lấy lại được niềm tin của thị trường. Hiệu quả từ những thay đổi Nhờ những nỗ lực cải tổ, đến nay Công ty Thép miền Nam – VNSTEEL đã thu được những kết quả rất khả quan: Đến cuối năm 2015, lần đầu tiên sản xuất phôi đạt được kế hoạch 560.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ của 5 năm trước đó; Sản xuất thép cán tăng 16% và tiêu thụ tăng 23% so với trung bình 5 năm trước đó. Lợi nhuận đạt trên 300 tỷ trước thuế.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới