Giải pháp nâng cao giá trị gốm đỏ Vĩnh Long

Gốm đỏ Vĩnh Long vốn là mặt hàng nổi tiếng trên thị trường từ hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các lò gốm đều có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất, công nghệ nung gốm bằng lò tròn thủ công đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, năng suất thấp, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, chu kỳ sản xuất kéo dài, làm cho giá thành sản xuất sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Trước thực tế này, đề án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đổ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020” được UBND tỉnh thông qua ngày 6/4/2016 là một tín hiệu đáng mừng đối với người làm nghề gốm đỏ trong tỉnh. Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề gốm đỏ Vĩnh Long, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế Tỉnh trong thời gian tới, Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể như sau:
  • Hỗ trợ xây dựng 30 tiêu chuẩn cơ sở và cấp giấy chứng nhận ISO về quản lý chất lượng sản phẩm cho 30 cơ sở doanh nghiệp sản xuất gốm đỏ;
  • Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 30 doanh nghiệp;
  • Hỗ trợ chuyển đổi 30 lò nung liên hoàn vào sản xuất gốm với công suất bình quân khoảng 33.000 sản phẩm/tháng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gốm (mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm chỉ 01 lò nung liên hoàn);
  • Hỗ trợ đầu tư dây chuyền thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất gốm;
  • Đào tạo cho mỗi doanh nghiệp 01 cán bộ quản lý và 05 công nhân lành nghề;
  • Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ;
  • Hỗ trợ củng cố và nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của Hiệp Hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long;
Giải pháp thực hiện Đề án bao gồm: Doanh nghiệp tận dụng cơ sở vật chất hiện có để chuyển đổi công nghệ nung liên hoàn; Xây dựng thương hiệu và website riêng để tạo điều kiện tham gia thị trường trong và ngoài nước; Thường xuyên nghiên cứu cải tiến đổi mới công nghệ hiện đại hơn, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nhân công nhằm giảm chi phí và sản xuất hiệu quả; Tăng cường quảng cáo, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm, tìm hiểu xu hướng thị trường, nhu cầu của khách hàng; Tăng cường liên kết giữa các cơ sở gốm về quy mô và nguồn nhân lực… Đề án sẽ được tổ chức thực hiện dưới sự chủ trì của Sở Công Thương, cùng sự phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tỉnh Vĩnh Long.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới