Việc cân nhắc các yếu tố khách quan và chủ quan một cách cẩn thận có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu những tổn hao vật liệu cũng như công sức cần thiết để xử lý các sản phẩm lỗi.
Đầu tiên phải nói đến sự khác biệt của “phế phẩm” và “phế thải”. Phế phẩm là những phần nguyên vật liệu thừa ra trong quá trình sản xuất. Nó khác với phế thải vì vẫn có thể tái chế được và mang lại một chút lợi nhuận cho nhà sản xuất. Sản phảm lỗi xảy ra khi những phần hỏng được phát hiện ra trên sản phẩm và cần phải được sửa chữa, thay thế hoặc lắp ráp lại.
Để có thể kiểm soát lãng phí, các nhà quản lý cần đưa ra một hệ thống phân loại rõ ràng cho phế phẩm và phế thải. Tiếp theo là xác định nguồn gây lãng phí, xem xét lại mỗi bước trong quá trình đang làm đồng thời đạt ra câu hỏi “Trong bước này, lỗi nào có khả năng xảy ra nhất, lỗi con người hay do lỗi thiết bị?”.
Nếu lỗi xuất phát từ con người, nó thường đến từ khâu vận chuyển hoặc khi được xử lý bằng tay, vậy nên áp dụng tối đa những công nghệ tự động hóa vào quá trình sản xuất, tránh tác động trực tiếp của con người càng nhiều sẽ đảm bảo tính ổn định trong chất lượng của sản phẩm.
Mike Lynch, người sáng lập CNC-concept chỉ ra rằng : “Quá nhiều phụ phẩm trong quá trình sản xuất chứng tỏ có quá nhiều lỗi xảy ra và nhân lực của bạn cần được đào tạo thêm”. Đào tạo một cách bài bản và cặn kẽ sẽ giúp giảm các lỗi xảy ra do con người, đội ngũ nhân công được đào tạo tốt sẽ sử dụng phần mềm ứng dụng chính xác hơn và ít mắc lỗi hơn.
Nếu lỗi xuất phát từ máy móc, thiếu bị thì đã đến lúc tổ chức của bạn cần đánh giá hiệu suất thiết bị tổng thể. Một công cụ phù hợp cho việc này là TPM (Total Productive Maintanance – Bảo trì năng suất toàn diện). Việc thực hiện TPM là nhằm tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất với một hệ thống bảo dưỡng được thực hiện trong suốt vòng đời của thiết bị, đồng thời nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động. Với TPM, mọi người cùng hợp lực và tương tác với nhau để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị một cách hiệu quả nhất.
Một trong các trụ cột của TPM là Autonomus Maintenance (Jishu Hozen) – Bảo dưỡng tự chủ: mục đích giúp công nhân vận hành máy biết sửa chữa, bảo dưỡng máy và nhận diện các hư hỏng ở một mức độ nhất định. Công việc này giúp công nhân vận hành biết về kết cấu và chức năng của máy, hiểu về quan hệ giữa máy móc và chất lượng, quen với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác mọi bất thường của máy cũng như cách khắc phục nhanh chóng và phù hợp. Kết hợp với việc đánh giá chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE), doanh nghiệp có thể giảm đáng kể lượng sản phẩm lỗi bằng cách liên tục theo dõi tình trạng của máy móc, thiết bị và thực hiện các bảo trì dự báo trước khi sai lỗi xảy ra.
Văn phòng NSCL biên dịch