Áp lực cạnh tranh
Năm 2016 là một năm thành công của ngành thép. Tuy nhiên tại Trung Quốc nguồn cung cấp quặng sắt vẫn còn rất lớn và việc Trung Quốc đang cố giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ sẽ khiến thép và nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn ở các thị trường nước ngoài. Áp lực dư cung sẽ buộc các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm mọi cách để xuất khẩu và Đông Nam Á đang trở thành một địa bàn quan trọng hấp thụ lượng thép dư thừa này.
Do vậy năm 2017 ngành Thép sẽ gặp phải cạnh tranh mạnh. Ngoài ra, về nội tại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề năng suất, chất lượng; năng suất lao động của công nhân và các doanh nghiệp trong nước còn thấp, tình trạng công nghệ và máy móc còn cũ kỹ, thiếu vốn, năng lực hạn chế trong sản xuất, kinh doanh, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp còn lại ít tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý sản xuất, sản xuất kinh doanh, đều này mang tầm ảnh hưởng lớn đến việc cạnh tranh của sản phẩm, làm giảm khả năng duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm.
Các giải pháp cải tiến và quản lý
Để sẵn sàng cạnh tranh, các công ty trong ngành liên tục phải cải tiến, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Một ví dụ về đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp như:
- Áp dụng giải pháp quản trị tại doanh nghiệp. Tại công ty Thép POSCO luôn đề cao sự sáng tạo với phương châm “tài nguyên là hữu hạn, sức sáng tạo là vô hạn” và áp dụng điều này rộng rãi để phát triển tập đoàn. Tại POSCO các ý tưởng luôn được trao đổi và hiện thực hóa trên cơ sở tính khả thi cao, xây dựng thành dự án và lập kế hoạch trực quan. Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
- Áp dụng kế hoạch trực quan giúp hiệu suất công việc tốt hơn, giảm thời gian làm việc vô ích, tăng công việc tạo giá trị (17%), giảm công việc đột xuất bất ngờ (21%) và nâng cao sự hài lòng về công việc (30-90%). Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
- Giải pháp ngưng thay lò, ngưng theo và không theo kế hoạch. Giải pháp áp dụng tại các nhà máy luyện thép bằng lò điện EAF tại Việt Nam đem lại hiệu quả cao. Ở Việt Nam các nhà máy đều sản xuất ngưng giờ cao điểm, có nhà máy chỉ chạy vào ca đêm, việc sản xuất không liên tục này gây ra rất nhiều bất lợi khi bắt đầu sản xuất lại sau thời gian ngưng do lượng xỉ và thép trong lò còn lại từ mẻ trước không hết đã đông cứng và bị oxy hóa, nó không chỉ làm kéo dài thời gian nấu luyện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu hao khác…
- Giải pháp áp dụng công cụ đánh giá quá trình hiệu quả. Trong quá trình sản xuất thép, điều kiện sản xuất như nguyên liệu đầu vào, chất tạo xỉ, oxy, than… luôn thay đổi vì vậy các thông số đạt nước của các mẻ cũng không giống nhau.Do đó, việc áp dụng một công cụ chuẩn, đánh giá quá trình hiệu quả đã mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí sản xuất cho các công ty.
- Áp dụng các tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế như JIS (Nhật Bản) và ASTM. Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước như: Tôn Đông Á, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép Pomina, POSCO… đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, các sản phẩm của các doanh nghiệp này đã sản xuất theo tiêu chuẩn JIS, ASTM.
Tuy nhiên, với hầu hết doanh nghiệp nhỏ và cơ sở sản xuất thì chưa áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14001…Đây là một hạn chế với các doanh nghiệp khi cần quản lý chặt về chất lượng, chi phí sản xuất.
Theo các chuyên gia, để ngành thép phát triển bền vững thì các doanh nghiệp hiện nay cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Văn phòng NSLC