Oto là một thị trường tiềm năng nhưng vẫn chưa thể gọi đây là ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn dừng lại ở mức độ lắp ráp đơn giản, đặc biệt là ô tô con và xe chuyên dụng.
Vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có phiên làm việc phân tích thực trạng và xem xét các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, là 1 trong 6 nhóm ngành ưu tiên nâng cao năng suất chất lượng tại Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt tiêu chí của ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực sự mà mới chỉ đạt mức độ lắp ráp. Dây chuyền sản xuất hiện vẫn chủ yếu là 4 công đoạn hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.
Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô hiện chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng linh kiện đơn giản như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây diện, ác quy, săm lốp và sản phẩm nhựa…. Tỉ lệ nội địa hóa đối với ô tô con hiện nay là khoảng 30%, Máy móc và linh kiện quan trọng đều nhập từ nước bản địa hoặc Thái Lan, Ấn độ.
Sớm hoàn thành cơ chế, chính sách đồng độ nhằm tạo hành lang phát triển công nghệ hỗ trợ cũng là điều kiện cần để phát triển các ngành công nghiệp then chốt của nền kinh tế. Thực vậy, chính phủ đã sớm xác định tập trung hỗ trợ phát triển 6 ngành kinh tế trong đó có sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Riêng đối với ngành công nghiệp phụ trợ, Chính phủ cũng có quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 9028/QĐ-BCT năm 2014. Theo đó mục tiêu đến năm 2020 về lĩnh vực linh kiện phụ tùng: phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa – cao su và linh kiện phụ tùng điện – điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm linh kiện phụ tùng chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, cung ứng được 80% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên đặc biệt phát triển lĩnh vực linh kiện phụ tùng phục vụ nhu cầu các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô. Các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô được xếp vào danh mục các dự án ưu tiên hỗ trợ đầu tiên trong danh mục.
Riêng với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, ngày 16 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát là Xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới. Nhóm sản phẩm ưu tiên là (1) dòng xe tải nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, xe tầm trung với giá thành hợp lý, an toàn, tiện dụng; (2) dòng xe cá nhân kích thước nhỏ phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập người dân; (3) chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe cho một số chủng loại xe nhằm đưa Việt Nam trở thành chuỗi mắt xích trong sản xuất và cung ứng ô tô tiến tới xuất khẩu.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)