Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có nhân sự, nhà xưởng, trang thiết bị, hệ thống hồ sơ phù hợp với dạng sản phẩm sản xuất để đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” theo quy định tại Bản đính kèm số VI Hiệp định mỹ phẩm ASEAN (CGMP-ASEAN).
Theo Dự thảo nghị định thì cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có nhân sự, nhà xưởng, trang thiết bị, hệ thống hồ sơ phù hợp với dạng sản phẩm sản xuất để đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” theo quy định tại Bản đính kèm số VI Hiệp định mỹ phẩm ASEAN (CGMP-ASEAN).
Cấp và thu hồi giấy chứng nhận
Để cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, Dự thảo nêu rõ, việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi có đề nghị bằng văn bản của cơ sở sản xuất, không bắt buộc đối với tất cả các cơ sở. Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN. Cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN được cấp Giấy chứng nhận (trong đó nêu rõ loại dây chuyền sản xuất). Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN có giá trị 03 năm.
Dự thảo nêu rõ các hình thức xử lý đối với các cơ sở sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, khi không đáp ứng yêu cầu cơ sở sản xuất phải ngừng sản xuất mỹ phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hành văn bản thông báo cơ sở không được tiếp tục sản xuất mỹ phẩm hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đối với cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc CGMP-ASEAN.
Đối với các sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã cấp cho cơ sở sản xuất không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Tùy mức độ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hành thông báo thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất.
Đặc biệt, cơ sở vi phạm không được tiếp tục sản xuất mỹ phẩm cho tới khi có báo cáo khắc phục tồn tại, nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Tùy mức độ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hành thông báo thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất.
Cơ sở sản xuất mỹ phẩm là các tổ chức, cá nhân tham gia bất kỳ công đoạn nào của quá trình tạo ra một sản phẩm mỹ phẩm. Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt. |
Văn phòng NSCL (tổng hợp)