Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” được phê duyệt theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ là Dự án số 2 thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Dự án được thực hiện trong 10 năm từ 2011-2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Mục tiêu:
• Phổ biến, nâng cao kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng tới người lao động và người tiêu dùng thông qua truyền hình, báo chí, trang thông tin điện tử và tài liệu. • Đào tạo 2.000 chuyên gia, cán bộ đào tạo, tư vấn về năng suất và chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. • Xây dựng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tại 500 doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm tại 10.000 doanh nghiệp. • Thiết lập hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua đánh giá các yêu cầu kỹ thuật và mức độ hài lòng của khách hàng; hệ thống đo lường năng suất các ngành kinh tế và doanh nghiệp, năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế.
Nhiệm vụ chủ yếu của Dự án:
1) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng
• Tổ chức hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, theo khu vực, Bộ, ngành, địa phương và theo các chuyên đề chuyên sâu để quảng bá và cập nhật thông tin, kiến thức về các mô hình, giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. • Tổ chức chương trình qua báo chí, truyền hình để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của người lao động và người tiêu dùng trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng. • Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá; phát triển và duy trì trang thông tin điện tử để cung cấp rộng rãi thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng tới các cơ quan quản lý và các tổ chức, doanh nghiệp. • Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động năng suất và chất lượng.
2) Đào tạo nguồn nhân lực về năng suất và chất lượng
• Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo nhận thức chung, thực hành cơ bản, nâng cao và chuyên sâu về năng suất và chất lượng cho các giảng viên, chuyên gia, cán bộ quản lý và nghiên cứu. • Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động đào tạo: phòng đào tạo, trang thiết bị, dụng cụ đào tạo. • Tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước cho các chuyên gia, cán bộ đào tạo, tư vấn về năng suất và chất lượng. • Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đào tạo kỹ năng làm việc, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho người lao động trong các doanh nghiệp.
3) Phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng
• Nghiên cứu ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tại Việt Nam: Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế; Công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; Hệ thống quản lý tích hợp các tiêu chuẩn và công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; Mô hình hoạt động xuất sắc BE; cải tiến năng suất toàn diện PMS; quản lý chất lượng toàn diện TQM; năng suất xanh GP; quản lý phát triển bền vững. • Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, hệ thống quản lý tích hợp, mô hình hoạt động xuất sắc: Tuyền truyền phổ biến, lựa chọn doanh nghiệp; Xây dựng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, hệ thống quản lý tích hợp, mô hình hoạt động xuất sắc tại 500 doanh nghiệp; Hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, hệ thống quản lý tích hợp, mô hình hoạt động xuất sắc tại 10.000 doanh nghiệp; Phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình điểm nhằm thúc đẩy nhân rộng mô hình điểm tại các tổ chức và doanh nghiệp.
4) Đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa
• Nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua đánh giá các yêu cầu kỹ thuật và mức độ hài lòng của khách hàng. • Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, hướng dẫn phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các tổ chức và doanh nghiệp. • Triển khai đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thiết lập chỉ số chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo doanh nghiệp, ngành.
5) Đo lường năng suất các ngành kinh tế và doanh nghiệp, năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế
• Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu và phương pháp đo lường năng suất các ngành kinh tế và doanh nghiệp, năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế. • Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, hướng dẫn đo lường năng suất cho các ngành, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn các tỉnh, thành phố, chuyên gia và các doanh nghiệp. • Xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức đo lường năng suất các ngành kinh tế và doanh nghiệp, năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế.
Kinh phí:
Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ đào tạo, tư vấn về năng suất và chất lượng; nghiên cứu, xây dựng mô hình điểm và hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm; nghiên cứu, tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng hệ thống chỉ tiêu, phương pháp đo lường năng suất, đào tạo và tổ chức đo lường năng suất các ngành kinh tế và doanh nghiệp, năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế.
Trung tâm Năng suất Việt Nam – VPC Nguồn: Quyết định 225/QĐ-TTg