Theo Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”.
Mục tiêu chung của dự án là phát triển phong trào năng suất thông qua việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp năng suất điển hình, từ đó nhân rộng các mô hình này một cách đồng bộ và rộng khắp tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nói chung và quận 2 nói riêng; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và của quận 2.
Nội dung của dự án chủ yếu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực và các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của Thành phố Hố Chí Minh trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của Thành phố, doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ, thông tin về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các nhiệm vụ của dự án:
– Đánh giá thực trạng tình hình sản xuất; xác định danh mục doanh nghiệp cần được nâng cao năng suất và sản phẩm, hàng hóa cần được nâng cao chất lượng của Thành phố thông qua việc cập nhật, thống kê danh sách doanh nghiệp gồm các Tổng Công ty Công nghiệp thuộc khối doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương, các doanh nghiệp Thành phố tiêu biểu, các doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp Việt Nam theo từng lĩnh vực trọng yếu của các Sở, ban ngành. Từ đó đề xuất, cập nhật danh sách các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất và danh mục các sản phẩm, hàng hóa cần nâng cao trình Ủy ban nhân dân Thành phố. Khảo sát đánh giá thực trạng và xác định những nguyên nhân của những tồn tại về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tham gia dự án nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ thích hợp. – Thông tin và tuyên truyền bằng cách tổ chức hội nghị triển khai Dự án phổ biến Chương trình năng suất và chất lượng của Trung ương và của Thành phố đến các cơ quan; tổ chức liên quan; hội nghị, hội thảo cho cán bộ quản lý, chuyên gia và các tổ chức, doanh nghiệp; tạo lập và duy trì mạng lưới các nhóm chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về năng suất và chất lượng; tổ chức các đợt tham quan, tham dự hội nghị, hội thảo nhằm học tập kinh nghiệm triển khai phong trào năng suất và chất lượng tại các địa phương khác và các nước trong khu vực; tổ chức lễ trao giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (mỗi năm một lần). – Xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt về năng suất và chất lượng. – Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng thông qua tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các sản phẩm hàng hóa; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ năng suất chất lượng; hướng dẫn áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; tính toán tốc độ tăng TFP của doanh nghiệp; xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm về năng suất, chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Dự án như xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn/hợp quy. – Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp. – Đánh giá trình độ chất lượng của sản phẩm, hàng hóa của địa phương; đo lường TFP của doanh nghiệp; đo lường TFP của Thành phố và một số ngành công nghiệp.
Giải pháp thực hiện dự án bao gồm: giải pháp về tài chính (huy động từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ và kinh phí khác có liên quan đến dự án), giải pháp về nhân sự (đào tạo các chuyên gia nòng cốt về năng suất và chất lượng, hình thành mạng lưới các chuyên gia năng suất chất lượng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm,…), giải pháp về thông tin tuyên truyền và áp dụng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đơn vị thường trực để tổ chức điều hành dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”.
Nguồn: Phòng Kinh tế quan2.hochiminhcity.gov.vn