Hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia Chương trình 712 là con số được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng công bố sau 8 năm triển khai thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã đạt được kết quả rõ rệt khi triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, từ đó có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hiệu quả hoạt động.
Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020” (Chương trình 712) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Với mục tiêu cuối cùng là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.
Sau 8 năm triển khai, chương trình đã đem lại những lợi ích lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tham gia chương trình này doanh nghiệp được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma…
Thực tế triển khai tại Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các dự án cải tiến năng suất chất lượng đều ghi nhận hiệu quả rất lớn do nó mang lại. Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, nhiều mô hình thí điểm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, hiện đại đã được tư vấn xây dựng, áp dụng… Các hoạt động này một mặt đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, mặt khác trở thành những điển hình sống động, thúc đẩy phong trào cải tiến năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp của ngành.
Theo bà Vũ Hồng Dân, Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, Chương trình 712 triển khai hơn 8 năm qua đã có hơn 5.000 doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và các công cụ cải tiến năng suất.
Nhờ vậy doanh nghiệp giảm các sai lỗi và nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ở Công ty Cổ phần cơ khí chính xác Smart Việt Nam chuyên sản xuất và thương mại các mặt hàng cơ khí, ông Trịnh Ngọc Thảo, Phó Tổng giám đốc cho biết, hoạt động từ năm 2016 năm đầu doanh số công ty bằng 0. Sang năm 2017 nhà máy có thể tự nuôi và có một số khách hàng nước ngoài của Nhật Bản, Mỹ tin tưởng. Sang năm 2018, ngoài việc tự nuôi, công ty bắt đầu có lãi và có vị thế nhất định với các khách hàng đã lựa chọn.
Tại Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội, khi áp dụng dự án cải tiến năng suất chất lượng vào bệnh viện, quá trình xét nghiệm giảm từ 58 bước xuống còn 48 bước; thời gian xét nghiệm và trả kết quả được rút ngắn, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân và đội ngũ bác sỹ.
Còn Công ty Cổ phần may Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/1 mã hàng xuống còn 32 giờ/1 mã hàng. Năng suất lao động tại phân xưởng may tăng lên 20 – 30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 50%.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức các khóa đào tạo tập trung, đào tạo qua mạng về các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (ISO 22000, ISO 23001, LSS, Lean, TPM, KPIs…) cho khoảng hơn 3.000 học viên đến từ các tổ chức doanh nghiệp. Ngoài ra, hơn 5.000 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp cũng được hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng thông qua các chương trình hội thảo; 500 doanh nghiệp được đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng cùng 600 doanh nghiệp đã được tư vấn và triển khai áp dụng một hoặc một số hệ thống công cụ như: 3834, Lean, TPM, ISO383, ISO 22000…
Nguồn: Vietq.vn