Công nghệ sản xuất là một trong những yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát đối với 706 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về trình độ công nghệ sản xuất với các tiêu chí đánh giá theo Technoware (T), Humanware (H), Infoware (I), Organware (O). Kết quả cho thấy số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến khoảng 8,5%, trình độ trung bình tiên tiến là 73,1% và trình độ trung bình là 18,4%. Từ kết quả khảo sát này, tỉnh đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất gồm:
Vấn đề nguồn nhân lực: Với hiện trạng chỉ số về con người thấp nhất, vì vậy đây sẽ là cản trở trong việc thu hút đầu tư các dự án hàm lượng công nghệ cao. Giải pháp đề ra là: triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch về bồi dưỡng, đào tạo lại và đảo tạo nhân lực của tỉnh, chú trọng nhân lực trình độ cao, gửi đi đào tạo ở các nước tiên tiến; triển khai nhanh và hiệu quả các chương trình đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ đồng thời có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu.
Thay thế các công nghệ cũ lạc hậu. Kết quả khảo sát cho thấy một số doanh nghiệp ngành nhựa, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, dệt may, giầy da có hệ số hao mòn thiết bị và đổi mới thiết bị thấp. Do vậy, cần nhận dạng và thay thế các dây chuyền công nghệ cũ. Về phía tỉnh định hướng giải pháp như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên phải dựa vào nội lực doanh nghiệp là chủ yếu, khuyến khích các doanh nghiệp tự giác đổi mới. Tỉnh cũng cần duy trì và nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020…
Đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Đối với một số ngành, công nghệ hiện tại chưa đủ sức cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và quốc tế như lĩnh vực chế biến gỗ, các sản phẩm từ nhựa. Vì vậy cần có chính sách về khấu hao tài sản cố định, nếu mức khấu hao cao thì sẽ thu hồi vốn nhanh. Ngoài ra tuyên truyền phổ biến và quản lý chặt công tác bảo vệ môi trường.
Đầu tư công nghệ theo đính hướng phát triển phù hợp. Các ngành mà tỉnh nên định hướng đầu tư như công nghiệp phần mềm, sản xuất giống mới bằng công nghệ sinh học, vật liệu mới. Thành lập khu công nghệ cao để thu hút đầu tư trong và ngoài nước đồng thời cũng tăng mặt bằng công nghệ ở địa phương. Ngoài việc đầu tư có chọn lọc các ngành, tỉnh cũng chọn lọc những nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến.
Hình thành và phát triển thị trường công nghệ, chuyển giao công nghệ. Khi có thị trường công nghệ, nhà đầu tư có đủ thông tin để lựa chọn và quyết định sử dụng công nghệ. Tăng cường năng lực tư vấn cho doanh nghiệp về chuyển giao mua bán công nghệ, và tăng vai trò trung gian giữa các doanh nghiệp trong việc mua bán công nghệ.
Cuối cùng, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu cơ bản để từng bước giảm lệ thuộc vào bên ngoài, nâng cao năng lực nội sinh đủ sức tiếp thu, làm chủ, cải tiến và phát triển công nghệ nhập.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)