Đồng Nai: Doanh nghiệp hưởng lợi từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động

Để theo kịp bước tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tìm ra những tiềm năng lao động kỹ thuật cao và làm chủ công nghệ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai các chương trình thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Kết quả, các phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người lao động, nhiều ý tưởng sáng tạo đã ra đời và được triển khai sâu rộng giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí.

Anh Nguyễn Thành Phương là một tấm gương điển hình cho phong trào sáng tạo. Anh đã cống hiến nhiều ý tưởng cải tiến có giá trị cho Công ty TNHH may mặc United Sweethearts Việt Nam. Năm 2018 khi mở rộng sản xuất và tăng thêm 30 chuyền may, Công ty gặp phải vấn đề thiếu nguồn lao động phục vụ công đoạn cắt. Để giải quyết vấn đề này, anh Phương đã mạnh dạn đề nghị đầu tư máy cắt tự động và xung phong đi học để có thể điều khiển thiết bị. Nhờ đó, công ty đã giải được bài toán lao động, giảm chi phí nhân công 120 ngàn USD/năm, đảm bảo năng suất yêu cầu.

Tại công ty TNHH cơ khí động lực Toàn Cầu, những người đi đầu cho phong trào sáng kiến là Anh Lê Văn Bổn, anh Nguyễn Minh Toàn. Lấy ví dụ như sáng kiến tạo công thức pha sơn mới của Anh Lê Văn Bổn. Nhận thấy sản phẩm được sơn có mẫu mã không đẹp nên anh đã đề xuất với lãnh đạo để thử nghiệm thay đổi các bước pha màu sơn. Sáng kiến được triển khai, sản phẩm mới có màu sắc đẹp, bắt mát và tiết kiệm thời gian hơn, tiết kiệm cho công ty 10 triệu đồng/tháng. Nối tiếp thành công đó, Anh Nguyễn Minh Toàn đã phát huy sáng kiến robot tự sơn bột khung giúp người lao động hạn chế tiếp xúc với sơn, đảm bảo sức khỏe đồng thời sản phẩm được sơn đều hơn đáp ứng yêu cầu trong sản xuất.

Một điển hình khác là tại nhà máy bibica Biên Hòa, nơi đã tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng/năm nhờ những sáng kiến của lao động. Tiêu biểu tại đây là anh Võ Văn Thành – tổ trưởng tổ cơ điện, người đã đóng góp hàng chục sáng kiến mang lại giá trị kinh tế, thúc đẩy sản xuất cho nhà máy. Anh Thành đã tự chế tạo và lắp đặt máy bàn bấm sử dụng trong gia công và hàn các chi tiết mỏng như inox. Hay sáng kiến chế tạo xe nâng hàng pallet lên container giúp giảm sức lao động, dễ dàng trong vận chuyển hàng.

Anh Danh Hoàng Em là “cây sáng kiến” làm việc tại bộ phận kho công ty TNHH Bình tiên Đồng Nai. Với tinh thần làm việc có trách nhiệm, quan sát tìm tòi nên anh Hoàng Em phát hiện nhiều công đoạn sử dụng nhiều sức lao động nhưng không hiệu quả, cụ thể như khâu cuốn dây để thêu giày thực hiện thủ công. Từ đó, anh đã có sáng kiến tạo máy cuốn dây mini để cuốn dây. Sáng kiến đã giúp công đoạn này thực hiện nhanh, chính xác với từng loại dây. Tiếp đến là sáng kiến chuyên đề định vị hàng hóa giúp cán bộ, công nhân tìm kiếm hàng hóa nhanh hơn, tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

Người lao động tích cực phát huy sáng kiến cải tiến trong sản xuất đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thúc đẩy sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, với tinh thần học hỏi, chủ động tiếp cận công nghệ của lao động là cách để họ khẳng định vị trí của mình trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn các doanh nghiệp đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và cần nhiều lao động kỹ thuật cao.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới