(HNM) – Với Giải thưởng Chất lượng quốc gia, đơn vị giành giải được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định khen thưởng. Việc tham gia và nhận giải thưởng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.
Nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc về giải thưởng quan trọng này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam – Thành viên Hội đồng quốc gia về Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2014.
Xin ông cho biết, khi tham gia giải thưởng, các doanh nghiệp sẽ thu được điều gì?
Khi tham gia, doanh nghiệp đoạt giải sẽ có cơ hội nhận diện một cách rõ nét những điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, từ đó hoàn thiện hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Ngoài việc được tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, doanh nghiệp còn có cơ hội tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao uy tín, hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường.
Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay có ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm nay không, thưa ông?
Tôi cho rằng, tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay đã ảnh hưởng ít nhiều tới số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng mừng là chất lượng hồ sơ tham dự ngày càng được hoàn thiện, các doanh nghiệp đăng ký tham dự và đoạt giải đều là những đơn vị xứng đáng được ghi nhận. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, có những thành tích sản xuất, kinh doanh thực sự nổi bật, đóng góp tích cực cho xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng, thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp đoạt giải tiếp tục khẳng định thành công của mình, hướng tới sự phát triển bền vững.
Ban tổ chức có gặp khó khăn trong việc chấm, xét, bình chọn đối với các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm nay hay không, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất đối với Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng quốc gia là làm sao bảo đảm việc xem xét, đánh giá có được tính chính xác cao nhất khi lựa chọn và đề xuất trao giải cho các doanh nghiệp tham dự, đặc biệt là đối với các giải vàng. Nói vậy là bởi các doanh nghiệp tham dự giải đều xứng đáng được tôn vinh.
Là giải thưởng quan trọng nhưng lại chưa được cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết đến một cách rộng rãi. Đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này, thưa ông?
Sau 18 năm, Giải thưởng Chất lượng quốc gia ngày càng nâng cao được vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào nâng cao năng suất và chất lượng trong gần 2 thập niên qua. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng giải thưởng vẫn chưa thực sự thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Nguyên nhân là cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Nhiều doanh nghiệp chỉ mới quan tâm tới lợi ích trước mắt, mục tiêu tham dự giải là để giành giải thưởng, chưa quan tâm hoặc nhận thức đầy đủ rằng việc tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia gắn với lợi ích phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Một nguyên nhân nữa là sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức và điều hành Giải thưởng Chất lượng quốc gia với các bộ, ngành, doanh nghiệp chưa chặt chẽ và đồng bộ. Chúng ta chưa huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động liên quan đến giải thưởng. Ngoài ra, hệ thống đội ngũ cán bộ tổ chức triển khai giải thưởng ở các cấp từ trung ương xuống cơ sở còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Hơn nữa, theo các chuyên gia, công tác truyền thông về giải thưởng cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Vậy đâu là những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng nói trên cũng như để nâng cao hơn nữa uy tín, thương hiệu giải thưởng, thưa ông?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật về quản lý hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng ở cấp quốc gia. Cụ thể là nghiên cứu sửa đổi các quy định chưa phù hợp liên quan tới giải thưởng; tăng cường phối hợp giữa cơ quan, tổ chức điều hành giải thưởng với các bộ, ngành để huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí giải thưởng sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ thông qua các hoạt động đào tạo, phổ biến, tư vấn để bảo đảm Giải thưởng Chất lượng quốc gia thực sự là công cụ có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện đội ngũ chuyên gia đánh giá đủ năng lực nhằm bảo đảm chất lượng của quá trình đánh giá, tuyển chọn. Như vậy thì thương hiệu của giải sẽ ngày càng được nâng cao.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi Loại hình tổ chức, doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia gồm có: doanh nghiệp sản xuất lớn, sản xuất vừa và nhỏ; dịch vụ lớn, dịch vụ vừa và nhỏ. Cơ cấu giải thưởng gồm giải vàng và giải bạc. Với giải thưởng năm 2014, có 33 doanh nghiệp được đề xuất trao giải vàng, 38 doanh nghiệp được đề xuất trao giải bạc. Tiêu chí xét giải tập trung vào các vấn đề: Vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp; chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 22-3-2015, tại Hà Nội