Vĩnh Phúc: Vai trò của doanh nghiệp và nhà nước trong hoạt động đổi mới công nghệ

Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đang được sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất – kinh doanh. Theo quan điểm chung, yêu cầu đối với một doanh nghiệp được xem là đổi mới công nghệ là phải có sản phẩm mới đưa ra thị trường hoặc một quy trình sản xuất mới được ứng dụng vào sản xuất – kinh doanh. Nói một cách khác nếu một sản phẩm mới chưa được thương mại hóa thì không được coi là đổi mới sản phẩm và những quy trình chưa được áp dụng trong sản xuất thì chưa được tính là đổi mới quy trình.

Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đang được sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất – kinh doanh. Theo quan điểm chung, yêu cầu đối với một doanh nghiệp được xem là đổi mới công nghệ là phải có sản phẩm mới đưa ra thị trường hoặc một quy trình sản xuất mới được ứng dụng vào sản xuất – kinh doanh. Nói một cách khác nếu một sản phẩm mới chưa được thương mại hóa thì không được coi là đổi mới sản phẩm và những quy trình chưa được áp dụng trong sản xuất thì chưa được tính là đổi mới quy trình.  Như vậy, đổi mới công nghệ chính là nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất hoặc có thể nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường.

Đổi mới công nghệ phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế xã hội. Sự tác động của khoa học và công nghệ kết hợp nhu cầu thực tế về sản phẩm buộc các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ công nghệ, cải tiến sản phẩm đáp ứng yêu cầu xã hội, điều này tạo tiền đề cho quá trình đổi mới công nghệ diễn ra ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn.

Vai trò chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ

Bất kỳ một doanh nghiệp nào trong quá trình hoạt động không có giải pháp nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống dây chuyền, thiết bị, máy móc… sẽ trở nên lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra sẽ không có sức cạnh tranh trên thị trường, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thấp, dẫn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bị đe dọa, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị phá sản hoặc đào thải ra khỏi thị trường. Chính vì vậy, đổi mới công nghệ là nhu cầu tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đổi mới công nghệ chính là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Tại Vĩnh Phúc, kết quả điều tra đánh giá trình độ công nghệ cho thấy, hệ thống máy móc thiết bị tại các doanh nghiệp phần lớn đang lạc hậu từ 2 đến 4 thế hệ so với các cường quốc kỹ thuật. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp không chủ động đổi mới công nghệ, tiếp cận công nghệ hiện đại thông qua chuyển giao công nghệ và tích cực chuẩn bị điều kiện kỹ thuật vật chất con người để tiến tới thực hiện nghiên cứu sáng tạo công nghệ mới, các doanh nghiệp không thể thành công trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động đổi mới công nghệ

Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tới hoạt động đổi mới công nghệ, số doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ thời gian qua đã tăng, nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, với phương thức chính là mua công nghệ của nước ngoài và bắt chước thiết kế lại theo mẫu. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước muốn thực hiện “cách mạng công nghệ” trên quy mô lớn thường gặp phải vô vàn khó khăn. Nguyên nhân của những khó khăn này bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan. Chẳng hạn việc thiếu kỹ năng nghiệp vụ dẫn đến việc tìm kiếm công nghệ khó khăn; nhiều doanh nghiệp chưa biết đánh giá như thế nào để lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nguồn vốn tự có thấp, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm huy động vốn từ bên ngoài cho các hoạt động đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới công nghệ của nhà nước chưa đủ mạnh và sức thuyết phục để kích thích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Việc tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, tăng cường các yếu tố thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế là nhiệm vụ mà nhà nước cần quan tâm và thực hiện.

Hiện nay, nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp đã tập trung đúng hướng, ban đầu mang lại hiệu quả kích thích, tạo động lực cho các doanh nghiệp tích cực trong hoạt động đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ là vô cùng cần thiết. Các cơ chế, chính sách này chính là đầu mối tháo gỡ những nút thắt cản trở quá trình đổi mới công nghệ. Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, tạo đà cho sự phát triển kinh tế -xã hội.

Có thể kể đến một vài chính sách, chương trình đã phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ trong thời gia qua như: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ thông tin công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao…  Tiêu biểu như chương trình về nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa phẩm của doanh nghiệp đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp mỗi năm trong nâng cao năng suất, áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn chất lượng, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thu hút được sự tham gia tích cực của các địa phương trong đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm/đặc sản địa phương, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ.

Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến chính sách ưu đãi trong đầu tư đổi mới công nghệ. Cụ thể như: cơ chế về hỗ trợ tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ vẫn chưa được thực hiện hiệu quả; cơ chế hỗ trợ tài chính trong đó quy trình xin hỗ trợ đổi mới công nghệ phức tạp và kéo dài; các quy định về công nghệ cao còn chung chung, khó áp dụng vào thực tế…

Tuy nhiên, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy các cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi trong đầu tư đổi mới công nghệ vẫn còn nhiều bất cập, tập trung chủ yếu các nhóm nội dung như: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thảo gỡ khó khăn về vốn và hỗ trợ các ưu đãi về tài chính; Các cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin công nghệ và thông tin thị trường; Các cơ chế chính sách về hỗ trợ tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ; Các cơ chế chính sách về hỗ trợ môi trường pháp lý cho hoạt động đổi mới công nghệ; Các cơ chế chính sách về hỗ trợ xây dựng và phát triển một thị trường KH&CN đủ mạnh.

Chính vì vậy, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ nhưng việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách hiện nay của nhà nước về đổi mới công nghệ để phù hợp với tình hình thực tiễn vẫn là một yêu cầu bức thiết. Đặc biệt là các chính sách liên quan tới chuyển giao công nghệ, một kênh chính tạo ra các nguồn lực về công nghệ cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới.

Cơ chế, chính sách của Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc những năm qua đã có nhiều chương trình, chính sách ưu tiên cho đổi mới công nghệ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước. Các cơ chế chính sách của tỉnh cũng đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, có nhiều ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thúc đẩy đổi mới công nghệ qua hàng loạt các ưu đãi về tài chính…

Triển khai Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 14/1/2013 của Hội nghị lần thứ mười ba Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tỉnh đã có các chương trình cụ thể với nội dung đổi mới công nghệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp; Hỗ trợ các doanh nghiệp thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Hỗ trợ khai thác các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Thưởng cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ cho các DNNVV đã hỗ trợ 79 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; Hướng dẫn 233 cá nhân, tổ chức xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, Tư vấn cho 77 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Mặt khác, Quỹ Phát triển KHCN được hình thành với tổng kinh phí giai đoạn 2014 – 2020 là 150 tỷ đồng đã tạo được nguồn vốn hỗ trợ (vốn mồi)  cho các doanh nghiệp được vay ưu đãi để đổi mới công nghệ. Các DN có thêm kênh huy động nguồn vốn, đáp ứng cho nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, và các tổ chức KH&CN nhằm tăng cường phát triển thị trường KH&CN tại tỉnh. Lãi suất vay vốn thấp (hoặc không có lãi suất) giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh. Tính đến năm 2017, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã phối hợp với Ngân hàng ủy thác tổ chức thẩm định và trình Hội đồng quản lý phê duyệt cho 19 Chủ đầu tư xây dựng Dự án với số vốn 61,156 tỷ đồng. Với cơ chế tài chính được vay của Quỹ buộc các doanh nghiệp vay vốn phải tăng cường hoạt động quản lý để bảo tồn và phát triển nguồn vốn của mình, do đó các Dự án KH&CN đã tăng hiệu quả hơn rất nhiều. Các dự án ứng dụng từ kết quả các tiến bộ KH&CN, quy trình, công nghệ sản xuất mới, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đồng thời tiết kiệm được năng lượng đầu vào và giảm thiểu chất thải ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Đổi mới công nghệ là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp, cũng là bài toán đặt ra đối với cơ quan quản lý. Sự chủ động của doanh nghiệp; việc tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo hành lang thông thoáng của Nhà nước là yếu tố tiên quyết của quá trình đổi mới công nghệ, góp phần đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đến gần hơn nữa với doanh nghiệp Việt nói riêng và đất nước nói chung./.

Nguồn: sokhcn.vinhphuc.gov.vn

Tin mới