Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh ta phát triển khá mạnh. Do đó, số lượng các doanh nghiệp tham gia sản xuất VLXD ngày càng gia tăng. Để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong tỉnh và cung cấp một số chủng loại VLXD ra ngoài tỉnh, xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD tỉnh ta đã thực hiện việc đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh ta có 36 đơn vị khai thác cát tự nhiên, với tổng công suất 740.869 m3/năm, 3 đơn vị sản xuất cát nghiền từ đá, tổng công suất đạt 380.000 m3/năm, 4 đơn vị sản xuất xi măng với tổng công suất 16,61 triệu tấn/năm, sản xuất gạch tuynel có 41 đơn vị với tổng công suất 1.417 triệu viên/năm, sản xuất gạch không nung 51 đơn vị với tổng công suất 1.096 triệu viên/năm, sản xuất gạch ceramic 2 đơn vị với tổng công suất 5,2 triệu viên/năm, sản xuất vôi công nghiệp 1 đơn vị với công suất 450.000 tấn/năm… Tuy nhiên, đa phần các DN này vẫn đang sử dụng những công nghệ sản xuất cũ, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành gạch cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Tại công ty CP Gạch ngói và Thương mại Hà Bắc – chi nhánh huyện Hà Trung, đưa ra thị trường khoảng 25 triệu viên gạch tuynel/năm. Tuy sản xuất bảo đảm và vượt mức kế hoạch đề ra song hiệu quả kinh tế không cao. Ông Đinh Văn Dương, giám đốc công ty cho biết: Do doanh nghiệp chưa sử dụng hệ thống sản xuất tự động hóa nên đòi hỏi lượng nhân công tham gia sản xuất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm của công ty khó tiêu thụ, việc sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả kinh tế. Do đó, nhu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất trở thành vấn đề cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững trên thị trường sản xuất VLXD.
Thực tế cho thấy, để phát triển bền vững ngành sản xuất VLXD, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã tiên phong ứng dụng những công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điển hình tại nhóm hàng gạch không nung, nhiều đơn vị sản xuất đã áp dụng công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị được nhập khẩu đồng bộ… Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Là doanh nghiệp sản xuất VLXD có truyền thống, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn luôn chú trọng tới việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư để nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ cuối năm 2016, công ty đã đưa dây chuyền sản xuất gạch tuynel số 3, công suất thiết kế 35 triệu viên/năm, ứng dụng công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng với những cải tiến mới nhất vào hoạt động. Tất cả các công đoạn, như: Sơ chế nguyên liệu đất sét, nghiền, nhào trộn, sấy, tạo khuôn gạch mộc, xếp phôi sản phẩm đưa vào lò nung… đều được thực hiện tự động theo những thông số đã được cài đặt trước. Do vậy, sản phẩm xuất xưởng của nhà máy, từ mẫu mã đến chất lượng, đều đồng bộ theo một tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết: Toàn bộ máy móc, thiết bị của dây chuyền này đều được nhập của các hãng uy tín, với tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ đồng. So với công nghệ sản xuất cũ, công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn trong sản xuất, như: Giảm thiểu bụi, khói do nhiệt khí thải được tận dụng để nung sấy khô sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với công nghệ cũ. Sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, khả năng chịu mặn tốt và đã được người tiêu dùng đón nhận ngay khi tham gia thị trường.
Tại Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 3-7-2017, của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã quy hoạch định hướng phát triển 7 nhóm VLXD trên địa bàn tỉnh, là: Vật liệu xây (gạch nung, gạch không nung), vật liệu lợp (nung và không nung), đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên, cát nghiền), bê tông (cấu kiện và thương phẩm), vôi công nghiệp, tấm thạch cao. Đồng thời, đặt mục tiêu, ngành công nghiệp sản xuất VLXD phải từng bước hội nhập khoa học và công nghệ sản xuất VLXD quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với thế giới. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất không chỉ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững của DN sản xuất mà còn bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh.
Nguồn: Báo Thanh Hóa