Đổi mới công nghệ: Giải pháp phát triển làng nghề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất được xem là một trong những giải pháp then chốt, trở thành yếu tố sống còn đối với các làng nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi mới công nghệ tại các làng nghề lại không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt đối với làng nghề truyền thống…

Nhờ triển khai hiệu quả nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hộ làng nghề đổi mới công nghệ, áp dụng KH-KT thông qua chính sách khuyến công, các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhiều hộ làng nghề đã dần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư trang bị máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ tự động áp dụng vào một số công đoạn hoặc toàn bộ quy trình sản xuất. Qua đó, không những rút ngắn các công đoạn thủ công, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm mà còn góp phần giải phóng sức lao động, cải thiện môi trường làng nghề.

Làng nghề mộc Dư Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê được công nhận làng truyền thống từ năm 2005, hiện có hơn 100 hộ tham gia sản xuất, trung bình mỗi năm sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm, tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu bình quân làng nghề ước đạt trên 30 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân đều sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến cho hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay, làng nghề mộc Dư Ba đang dần thay da đổi thịt nhờ áp dụng tiến bộ của KH-KT, đổi mới công nghệ trong sản xuất.

Giống như nhiều hộ làm nghề trong xã, trước đây, xưởng chế tác của anh Đoàn Tuấn Anh chủ yếu sản xuất theo lối thủ công, để đảm bảo khối lượng hàng hóa, có thời điểm gia đình phải thuê tới gần 20 lao động. Nhằm đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, anh đã đầu tư trên 700 triệu đồng mua sắm các loại máy móc hiện đại như: Máy cắt, máy đục, chạm khắc tự động lập trình vi tính… qua đó đã giúp giảm số lượng lao động thường xuyên xuống còn 6-8 người. Anh cho biết: Hiện nay hầu hết các công đoạn sản xuất, chế tác của gia đình đều có sự tham gia của máy móc. Nếu như trước kia để làm ra một sản phẩm, thợ đục lành nghề phải mất cả tháng mới có thể hoàn thiện thì nay với máy đục tự động, thời gian hoàn thành sản phẩn được rút ngắn còn vài giờ đồng hồ. Việc sử dụng máy móc thay cho lao động thủ công đã nâng cao năng suất, tăng tính đồng bộ, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận hàng hoá.

Không chỉ riêng làng nghề mộc Dư Ba, việc đổi mới công nghệ cũng đang dần được các làng nghề chú trọng. Hiệu quả từ đổi mới công nghệ trong sản xuất tại các làng nghề khá rõ, tuy nhiên, trên thực tế việc đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất tại các làng nghề hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, gây không ít khó khăn trong phát triển làng nghề, trong đó, trở ngại lớn nhất chính là kinh phí đầu tư. Để chuyển đổi các công đoạn từ thủ công sang sử dụng máy móc hiện đại, tự động hoặc bán tự động cần nguồn vốn đầu tư khá lớn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/máy,

Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, để các làng nghề vượt qua rào cản công nghệ, trước hết cần giải quyết vấn đề nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công, chính quyền các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiến bộ vào sản xuất, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hoá. Thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề gắn với phát triển quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới vào sản xuất.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ

Tin mới