Nhiều cuộc cách mạng lớn đã quét qua ngành công nghiệp sản xuất và dựng nên những thách thức về việc các doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt trong kỉ nguyên kĩ thuật số, khi mà quá trình sản xuất đang trở nên nhanh hơn, chính xác hơn và “thông minh” hơn thì vai trò của con người đang dần được thay thế bởi máy móc. Mặt khác, sự kết nối và chia sẻ thông tin trên internet cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và hướng tới những sản phẩm với chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn hoặc mới lạ hơn.
Bill Moffett – Giám đốc tiếp thị sản phẩm công nghiệp toàn cầu tại Microsoft cho biết: Ngành công nghiệp sản xuất đang dần chuyển hướng trọng tâm của mình từ việc xây dựng một nhóm sản phẩm sang phát triển một số sản phẩm độc lập. Nếu làm như vậy, các nhà sản xuất không chỉ có nhiều không gian phát triển hơn tại phân khúc đó của thị trường mà còn gây dựng được niềm tin lâu dài với khách hàng. Điều này ngày càng trở nên quan trọng vì sự mong đợi của khách hàng sẽ tùy biến theo nhu cầu của từng cá nhân, cho nên việc tạo ra sản phẩm một cách linh hoạt sẽ là con đường dẫn tới thành công của doanh nghiệp.
Để đạt được mức độ linh hoạt đó, các nhà sản xuất cần thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác và liên tục trog quá trình sản xuất, và công nghệ Internet vạn vật (IOT) chính là lời giải cho vấn đề này. “Đặc trưng của IOT là cho phép cập nhật thông tin trong thời gian thực” Moffett nói. “Kết hợp với năng lực tự học tập của trí tuệ nhân tạo, khả năng phân tích nâng cao và kĩ thuật in 3D, chúng có thể giúp các nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách linh hoạt và nhanh chóng, đồng thời làm tăng tính tùy biến của mô hình kinh doanh.
Ứng dụng tự động hóa trong cảnh báo và bảo trì thiết bị cũng là điểm sáng trong số những công nghệ mới hiện nay. Các cảm biến cho phép ghi lại lịch trình hoạt động của từng máy và theo dõi các thông số của các máy này theo thời gian. Nếu các thông số trở nên khác thường, hệ thống sẽ tự động báo lại cho nhân viên bảo trì trước khi sự cố xảy ra. Công nghệ này không chỉ tiết kiệm một lượng lớn chi phí sửa chữa cho các nhà sản xuất mà còn hạn chế tối đa thời gian dừng, thời gian chết máy không mong đợi.
Ngoài ra các công nghệ hỗ trợ như điện toán đám mây như hay công nghệ blockchain cũng khiến việc trao đổi thông tin nội bộ cũng như cung cấp cho đối tác trở nên thuận tiện hơn. Chuỗi dữ liệu blockchain giúp các nhà sản xuất minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm cho từng công đoạn của chuỗi cung ứng, bên cạnh đó công nghệ điện toán đám cho phép người dùng truy cập vào kho dữ liệu này ở bất cứ đâu, thông qua internet.
Nhìn chung, trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất đang không ngừng phát triển thì công nghệ là nhân tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Moffett kết luận, “Dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và IOT, các nhà sản xuất có thể xây dựng được những giá trị bền vững cho khách hàng và cho chính doanh nghiệp mình, không ngừng cải tiến thế hệ tiếp theo của sản phẩm nhờ nắm bắt được xu hướng thị trường và tùy biến trong sản xuất, đồng thời đưa ra các chiến lược tiếp thị một cách thông minh. Khi bối cảnh sản xuất thay đổi, sự giàu có về dữ liệu và thông tin chi tiết của sản phẩm sẽ là vũ khí để các nhà sản suất cạnh tranh với đối thủ của mình khi trao đổi cùng khách hàng cũng như đối tác, tính chính xác và hiệu quả sẽ luôn được cải thiện.”