Doanh nghiệp Việt: Không ngừng cải tiến để vươn ra thị trường thế giới

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)/Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), 25 doanh nghiệp Việt đã được các Tập đoàn đa quốc gia lựa chọn thí điểm hỗ trợ cải tiến để trở thành nhà phát triển và cung cấp trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này.

Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) là một trong các hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy CNHT phát triển, đã được khởi động từ tháng 6/2018, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới.

Một trong những điểm đặc biệt của chương trình là sự tham gia trực tiếp của 8 công ty đa quốc gia bao gồm: Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric.

Chương trình sẽ “chấm điểm”, chọn ra một danh sách những doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các chuẩn mực trong việc cưng ứng chuỗi giá trị của các ngành mục tiêu như ô tô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng. Qua đó, các doanh nghiệp này sẽ trở thành những nhà cung cấp Việt Nam tương lai cho các Tập đoàn đa quốc gia trên.

Nỗ lực cải tiến để thu hút vốn đầu tư

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp, 25 doanh nghiệp trên được chọn là đã nhận được sự đồng thuận của các Tập đoàn đa quốc gia để được hỗ trợ đào tạo. Đây là những doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, đảm bảo nguồn hàng ổn định cho khách hàng và là doanh nghiệp tiềm năng sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đội ngũ thực hiện triển khai hỗ trợ bao gồm các chuyên gia nước ngoài – hãng tư vấn quốc tế STTM Industry Forum của Anh Quốc các Chuyên gia trong nước và sử dụng bộ công cụ tư vấn đánh giá National Manufacturing Competitiveness Levels (NMCL). Nhóm cố vấn cấp cao (Nhóm CVCC) được thành lập có nhiệm vụ giám sát, tư vấn, nhằm đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả, tối đa hoá các lợi ích nhà cung cấp Việt Nam và các MNE tham gia chương trình. Thành viên bao gồm Lãnh đạo Cục Công nghiệp, WorldBank, Đại diện các Tập đoàn đa quốc gia.

Mặc dù mới thực hiện cải tiến trong khoảng thời gian ngắn nhưng một số doanh nghiệp đã có thay đổi vượt bậc so với ban đầu, một số dần tiếp cận các nhà mua hàng lớn. Ví dụ như công ty Le Group được Toyota Việt Nam bắt đầu hỗ trợ cải tiến để đặt hàng, Công ty Hiệp Phước Thành cũng được Toyota Việt Nam, Toyota Thái Lan đánh giá qua 1 vòng, công ty Nhật Minh (miền Bắc) tăng đơn đặt hàng từ Canon Việt Nam.

Điều này cho thấy nhận thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi tiến bộ và nhu cầu phát triển tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu ngày càng đẩy mạnh.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới