Hơn 5 tỷ đồng là con số mà Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa (Bình Dương) tiết kiệm được trong 3 năm (2015 – 2017), sau khi tham gia chương trình Quốc gia về Năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712).
Thông tin này được ông Hoàng Ngọc Sửu – Trưởng phòng công nghiệp của Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa (Bình Dương) cho biết tại Hội thảo “
Thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp – kinh nghiệm thực tế và giải pháp nhân rộng”. Sự kiện này được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức ngày 22/12 tại TPHCM.
Theo ông Sửu, Công ty áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011 từ tháng 9/2015. Nhờ sử dụng nguyên liệu biomass đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao su thay thế đốt dầu DO, FO, GAS đã giúp Công ty tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng trong ba năm. Ngoài ra, năm 2017, Công ty thay đổi một số thiết bị sản xuất và hệ thống làm nguội mủ ra lò đã giúp tiết kiệm được hơn 150 triệu đồng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Quân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dây và Cáp SACOM (Đồng Nai) cũng cho biết, năm 2015, khi tham gia Chương trình 712, Công ty đã tập trung cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất, tác phong làm việc,… Nhờ đó, trong ba năm, Công ty đã tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng, số lượng nhân công giảm 20%, năng suất lao động tăng từ 20 – 25%. Những vướng mắc trước đây Công ty gặp phải đã được giải quyết. Đặc biệt, đội ngũ lao động trong Công ty đã biết và thích tư duy, tìm kiếm cơ hội cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, có nhiều ý tưởng cải tiến được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Ông Quân cho biết thêm, trước khi triển khai hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể (TPM), Công ty thường xuyên không đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng, năng suất, chất lượng không tăng. Công ty đã phải bù nguyên một lô hàng cho khách mà không lấy về được vì ở tận Châu Phi. Ngoài ra, Công ty cũng bị phạt vì chậm giao hàng, gặp những khiếu nại từ khách hàng về chất lượng.
Bên cạnh đó, mặc dù SACOM trước đây vẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhưng tay nghề nhân viên trong công ty vẫn không đồng đều. Việc kiểm tra, giám sát, tiêu chuẩn vệ sinh… chưa được thiết lập một cách có hệ thống. Trong khi đó, tác phong công nghiệp của người vận hành chưa cao, nhiều thói quen chưa phù hợp với sản xuất công nghiệp. Điều này đặt ra áp lực cho công ty phải có công cụ nào đó để cải thiện năng suất chất lượng.
Tổng cục TCĐLCL được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ giao là cơ quan đầu mối để triển khai Chương trình 712. Trong 7 năm, Chương trình đã tập trung vào giải quyết các vấn đề quan trọng như như: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hoàn thiện hệ thống những tổ chức đánh giá sự phù hợp, gồm các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, giám định,… giúp doanh nghiệp chứng minh sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn và quy định; tổ chức nghiên cứu để những hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ để giúp doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình; phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức và kiến thức về năng suất chất lượng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TC ĐLCL, trong thời gian qua, Tổng cục đã xây dựng được 10.000 TCVN cho 98 lĩnh vực, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 48%; xây dựng được khoảng 680 QCVN; khoảng 5000 doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn xây dựng, áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ như ISO 9001, 50001, 5S, LEAN, VietGAP …
Kinh nghiệm để triển khai Chương trình 712 có hiệu quả, theo ý kiến của phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện thành công chia sẻ tại Hội thảo, đó là: cần phải có sự cam kết thực hiện của lãnh đạo doanh nghiệp; sự đồng thuận, quyết tâm và áp dụng triệt để các hệ thống quản lý, công cụ vào thực tế sản xuất và phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Các hình thức động viên, khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp có ý tưởng cải tiến mang lại giá trị cho doanh nghiệp cũng là một yếu tố tạo nên sự thành công khi áp dụng Chương trình.
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn