Việc áp dụng TPM giúp công ty chủ động trong kế hoạch sản xuất, tối đa hóa hiệu suất thiết bị, từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bảo trì năng suất tổng thể – TPM (Total Productive Maintenance) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM (Total Productive Maintenance) là một tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo dưỡng (hay còn gọi là duy trì) và Năng suất chất lượng. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.
Thực hiện TPM giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, thực hiện “Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đến đến năm 2020”, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố Hải Phòng đã lựa chọn lĩnh vực sửa chữa tàu của công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng để tư vấn xây dựng các biện pháp cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Thông qua khảo sát điều tra trực tiếp, phân tích và tổng hợp các vấn đề liên quan đến hệ thống quản lý sản xuất, quá trình sản xuất, tình trạng trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, tiếp cận thông tin dịch vụ sửa chữa tàu của công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng từ năm 2014 – 2016, đơn vị tư vấn đã đưa ra các đánh giá chi tiết về hiện trạng năng suất, chất lượng tại công ty, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gồm: Tối đa hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa các dòng sản phẩm; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, khoa học quản lý tiên tiến vào thực tế sản xuất; Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tập trung vào 2 lĩnh vực chính của công ty là đóng mới và sửa chữa tàu biển, phương tiện thủy và chuẩn bị các điều kiện tham gia lĩnh vực phá dỡ tàu cũ.
Đặc biệt, sau khi nghiên cứu, đánh giá các công cụ quản lý tiên tiến: 5S, TPM, LEAN, KAIZEN, QCC… đơn vị tư vấn đề xuất thiết lập hệ thống quản lý sản xuất hiệu quả theo TPM tại công ty nhằm tăng năng suất, giảm phế phẩm, giảm hao hụt và chất thải, giảm chi phí sản xuất và bảo trì, giảm lưu kho, giảm tai nạn lao động, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, nếu áp dụng thành công TPM sẽ góp phần cải thiện môi trường làm việc; nâng cao năng lực, sáng tạo, tinh thần làm việc; tăng khả năng cạnh tranh…
Ông Trần Quốc Chiến – Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết, việc đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng TPM tại công ty là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời TPM sẽ giúp công ty chủ động trong kế hoạch sản xuất, tối đa hóa hiệu suất thiết bị, từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nguồn: Vietq.vn