(HQ Online)- Là quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh vấn đề nâng cao năng suất lao động của DN.
Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành về năng suất lao động của Việt Nam?
Năng suất lao động nhìn chung đã được quan tâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đầu năm 2014 khi ILO&ADB công bố số liệu năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore thì vấn đề này đã được các lãnh đạo, chuyên gia và cả công chúng đặc biệt quan tâm.
Ông nhận xét gì về vai trò của DN trong việc nâng cao năng suất lao động?
DN đóng vai trò số 1 trong việc nâng cao năng suất lao động. Để nâng cao năng suất lao động ở khía cạnh của DN, trước hết cần chú trọng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phải nâng cao khả năng quản lý của DN. Thực tế chúng ta đầu tư được 1 nhà máy, khách sạn như nước ngoài, nhưng xét về hiệu quả hoạt động thì lại thể hiện rõ sự thua kém. Vì thế DN phải nâng cao trình độ quản lý, khả năng quản trị DN. Ngoài ra, DN cần áp dụng những công nghệ tiên tiến vào quá trình hoạt động của mình. Người Việt Nam rất nhiều người giỏi, chất lượng nhân lực khá tốt, nhưng người lao động cũng phải được trang bị những phương tiện giúp cho năng suất cao, thì mới tăng năng suất được.
Trong việc thúc đẩy năng lực của người lao động, bản thân DN cần chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động của DN qua từng năm. Một vấn đề nữa cũng là yếu tố cốt lõi với DN Việt Nam là vấn đề về thị trường. Sản phẩm của DN không có đầu ra ổn định, làm ra không bán được thì giá trị tăng thêm không thể cao. Vì vậy chúng tôi nghĩ những chiến lược như DN tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là rất phù hợp để nâng cao năng suất trong thời gian tới. Nếu tham gia được vào các chuỗi cung cấp một cách ổn định thì lúc đó DN mới có điều kiện để cải tiến năng suất.
Một số ý kiến cho rằng tay nghề của lao động Việt Nam không kém nhưng khả năng quản trị của chủ DN có vấn đề, dẫn đến năng suất lao động kém. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi cũng nghĩ như vậy, vấn đề này phải được DN quan tâm thật sự. Vì cũng người lao động ấy nhưng khi sang làm ở khu vực nước ngoài thì được họ đánh giá rất tốt. Rõ ràng ở DN Việt có vấn đề về chế độ đãi ngộ, lương bổng, môi trường khuyến khích của DN chưa thích hợp. Nếu chúng ta làm tốt khâu này thì mọi người nỗ lực hết mình, tôi tin năng suất lao động sẽ khác.
Theo ông, thu nhập đóng vai trò thế nào trong nâng cao năng suất của người lao động trong DN?
Chúng ta đều đi làm, cuộc sống còn nhiều thứ phải trông chờ vào đồng lương. Tôi đã nghe nhiều ý kiến của mọi người phản hồi về việc thu nhập không đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tôi thấy điều này là có lý, cho nên lương bổng, đãi ngộ phải được cải thiện để người lao động yên tâm làm việc, lúc đó họ mới cùng nhau nâng cao năng suất lao động. Thực tế hiện nay nhiều người đi làm, lương chi tiêu hết, thậm chí vẫn không đủ, họ phải tìm đủ cách kiếm sống, nên công việc chính lại không nỗ lực hết mình.
Tôi nghĩ muốn nâng cao năng suất, DN phải chú trọng song song hai vấn đề là đầu tư vào nâng cao chất lượng con người và cải tiến công nghệ. Bởi vì cải thiện năng lực người lao động cần thiết, nhưng năng lực con người cũng có tới hạn, nếu không có công cụ máy móc hỗ trợ thì không giải quyết được.
Cơ chế chính sách cho việc nâng cao năng suất lao động đã được đề ra nhiều. Nhưng vấn đề là công tác thực hiện. Nhiều khi chính sách đúng mà thực hiện không đến nơi đến chốn cũng không phát huy tác dụng, thưa ông?
Điều này cũng phải đánh giá từng giai đoạn. Giai đoạn trước thì có thể thấy rõ điều đó. Nhưng nay bản thân cơ quan Nhà nước cũng thay đổi rất nhiều, người thực thi công vụ vì nhiều áp lực đã quản lý chặt chẽ hơn, các chương trình đang được thực hiện tốt hơn. Để hài lòng hoàn toàn thì tôi tin chắc xã hội chưa hài lòng. Nhưng hiện nay tôi thấy việc thực hiện các cơ chế chính sách đã tốt hơn nhiều.
Nhiều chuyên gia cho rằng không nâng cao năng suất lao động, Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình?
Điều ấy là chắc chắn.
Vậy theo ông với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành thời gian tới, khoảng cách về năng suất giữa Việt Nam và các nước như Singapore, Thái Lan… có thu hẹp lại khi các nước cũng đang tiến lên rất mạnh?
Đúng là các nước cũng đang thực hiện những chương trình cải thiện năng suất không kém Việt Nam, chỉ có điều cơ hội của Việt Nam để nâng cao năng suất lao động nhiều hơn họ. Điều này giống như một người đi học, từ điểm 5 lên điểm 7 rất dễ song từ điểm 8 lên điểm 9 khó hơn nhiều. Việt Nam đang có điều kiện để tăng tốc độ cải thiện năng suất với điều kiện các chương trình, các chính sách phải được triển khai thích hợp.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Haiquan.vn