Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất là yêu cầu tất yếu của các doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Thanh Hóa có khoảng 3000 doanh nghiệp sản xuất nhưng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp chịu đầu tư đổi mới công nghệ. Trong số đó, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn, Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, Công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông là những doanh nghiệp tiêu biểu.
Ứng dụng công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng
Cuối năm 2016, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn đã hoàn thiện việc đưa dây chuyền sản xuất gạch tuynel số 3, công suất thiết kế 35 triệu viên/năm, ứng dụng công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng với những cải tiến mới nhất vào hoạt động. So với công nghệ sản xuất cũ, công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, như: Giảm thiểu bụi, khói do nhiệt khí thải được tận dụng để nung sấy khô sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với công nghệ cũ. Sản phẩm của công nghệ mới này bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, khả năng chịu mặn tốt và đã được người tiêu dùng đón nhận ngay khi tham gia thị trường.
Với việc đưa thêm dây chuyền số 3 vào sản xuất, tổng công suất cả 3 dây chuyền của nhà máy đã đạt con số 75 triệu viên/năm. 4 tháng đầu năm 2017, công ty đã sản xuất và tiêu thụ được 20 triệu viên gạch, doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ứng dụng công nghệ sản xuất bóng bằng da nhân tạo
Công nghệ sản xuất quả bóng đá được Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta nhập, chuyển giao từ Hung-ga-ry về Việt Nam từ năm 2002. Công nghệ này chủ yếu là sản xuất bóng bằng da bò thật với một số nhược điểm, như: chưa đáp ứng tối đa các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn luyện tập, thi đấu quốc tế như độ tròn, độ thấm nước, độ nảy. Mặt khác, các công đoạn trong sản xuất bị kéo dài gây lãng phí về mặt nhân công, nguồn nguyên liệu, vật tư sản xuất.
Nhận thấy rõ nhược điểm của công nghệ sản xuất bóng từ da thật, công ty đã đầu tư cải tiến và thay đổi sang công nghệ sản xuất bóng bằng da nhân tạo. Công nghệ mới này cho phép sản phẩm đạt độ bền, độ nảy, độ tròn, chu vi, độ thấm nước theo tiêu chuẩn FIFA. Không những vậy, công suất của nhà máy cũng được nâng cao, đồng thời chi phí sản xuất giảm tới 35.640 đồng/1 quả bóng.
Với công nghệ mới, sản phẩm bóng thể thao của Delta đã được xuất khẩu đi 32 quốc gia trên thế giới. Nhiều đối tác của Delta là những công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới về dụng cụ thể thao.
Ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến
Cũng vào cuối năm 2016, Công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông cho ra mắt sản phẩm phân bón vi sinh Divital – Germany. Đây là loại phân bón hữu cơ vi sinh giàu năng lượng, được xử lý bằng công nghệ sinh học tiên tiến của Cộng Hoà Liên bang Đức. Divital – Germany được đánh giá giúp cho cây trồng thỏa mãn về nhu cầu dinh dưỡng nhờ khả năng của vi sinh vật khoáng hóa vật chất vùng rễ; tạo môi trường thích hợp giúp bộ rễ cây trồng thực hiện hiệu quả quá trình hô hấp và dinh dưỡng khoáng; ngăn chặn quá trình bay hơi, rửa trôi và cố định dinh dưỡng trong đất; hạn chế gây ô nhiễm môi trường; cải tạo, duy trì và nâng cao sức sản xuất của đất. Với những ưu điểm vượt trội như vậy, sản phẩm phân bón vi sinh Divital – Germany đã nhanh chóng được người nông dân đón nhận.
Trên đây là 3 trong số 18 doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa. Việc đầu tư cho công nghệ không chỉ giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Văn phòng NSCL