Doanh nghiệp da giày trước xu hướng tự động hóa

Nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam đang bắt đầu đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại để tự động hóa nhiều khâu sản xuất nhằm gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng và tiết kiệm thời gian…

Trao đổi với báo chí bên lề “Hội chợ – Triển lãm quốc tế da và giày – lần thứ 19” diễn ra hôm 12-7 tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang thay đổi rất nhanh. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – công nghiệp 4.0 (trong đó, ngành sản xuất được tự động hóa, không cần có sự tham gia của con người – PV) đã đến sát chúng ta rồi, chứ không còn 5-10 năm nữa. Hiện đã có những robot thực hiện khâu quét keo, may chi tiết đồng bộ… Trong ngành da giày Việt Nam, hầu như những doanh nghiệp lớn đã đầu tư máy móc để tự động hóa 100% khâu cắt và đang từng bước chuyển sang tự động hóa”, ông Thuấn nói. Ông Thuấn cho rằng cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đến rất gần với doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần phải thay đổi về tầm nhìn và quá trình đầu tư. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Cũng tại triển lãm hôm 12-7, bà Văn Thúy Hạnh, Trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Việt Á Châu (VITACO) cho TBKTSG Online biết trong năm nay công ty đã đầu tư máy scan và in 3D để phục vụ cho việc làm khuôn. Việc đầu tư này, theo bà Hạnh, là nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi lẽ, công ty lâu nay mất nhiều thời gian (khoảng 10 ngày) trong khâu làm khuôn, tạo mô hình sản phẩm để doanh nghiệp đánh giá, và mất thêm vài ngày nữa để tương tác với khách hàng. Trong khi đó, với máy in 3D hiện nay, công ty chỉ mất từ 30-60 phút là có thể cho ra một sản phẩm mô hình mong muốn để làm việc với khách hàng. “Doanh nghiệp phải đầu tư một số tiền lớn nhưng đáp ứng được nhu cầu về tiến độ thời gian và có cơ hội lấy đơn hàng sớm hơn 10 ngày”, bà Hạnh cho biết. Theo ông Thuấn, với xu hướng tự động hóa này, Bộ Công Thương, cùng Lefaso và Thương vụ Ý đã mời gọi các doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao về công nghệ, thiết lập Trung tâm Công nghệ giày Ý – Việt để doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, đặc biệt nâng cao quá trình tự động hóa và năng suất, kể cả về mẫu mã. Trung tâm này đã được khai trương vào chiều ngày 12-7. “Hội chợ – Triển lãm quốc tế da và giày – lần thứ 19” kết hợp với “Hội chợ – Triển lãm quốc tế sản phẩm, thành phẩm da và giày” do Lefaso, Công ty tổ chức triển lãm quốc tế Top Repute phối hợp với Công ty Hiển Đạt, tổ chức từ ngày 12 đến 14-7 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) tại Quận 7, TPHCM. Triển lãm năm nay tập hợp 700 nhà sản xuất, cung ứng trong nước và quốc tế đến từ 27 quốc gia và lãnh thổ như Argentina, Úc, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ý, Ấn Độ,… Với việc mở rộng thêm một khu nhà triển lãm, tổng diện tích trưng bày đạt 16.000 m2, theo đó quy mô triển lãm năm nay lớn hơn nhiều so với các năm trước đó.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới