Sau 3 năm triển khai, Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu” đã đóng góp đáng kể gia tăng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 200 DN tham gia dự án, có tới 98% gia tăng doanh số bán hàng.
Bên cạnh đó, dự án giúp kết nối DN sản xuất linh kiện phụ tùng với các đối tác trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, đồng thời hỗ trợ và xây dựng các chính sách về phát triển CNHT…
Theo bà Trương Thị Chí Bình – Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC) – nhờ có sự hỗ trợ của dự án, Hiệp hội CNHT Việt Nam đã được ra đời vào tháng 3/2017, kết nối các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNHT ở Việt Nam. “Việt Nam đang có lợi thế ở các sản phẩm kết hợp giữa “máy móc và tay chân” như lắp ráp các bảng mạch điện tử hay dây điện… Nhiều sản phẩm dạng này đã bán được ngay khi trưng bày tại các hội chợ quốc tế, thậm chí một số DN CNHT Việt Nam có đơn đặt hàng triệu USD sau hội chợ” – bà Trương Thị Chí Bình cho biết.
Ngoài ra, dự án đã giúp nhiều DN Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm, linh phụ kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung – một trong những tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu toàn cầu. Đặc biệt, nếu như trước đây, số DN Việt Nam có thể tham gia cung ứng vào chuỗi sản xuất của Samsung rất hiếm thì 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của dự án đã có 24 DN Việt có thể cung cấp linh phụ kiện cho Samsung Việt Nam.
Mặc dù thừa nhận những chuyển biến trong năng lực của các DN thuộc ngành CNHT, song nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất, trình độ năng lực của DN Việt vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các DN ngoại. Hiện tại, so với Thái Lan thì DN CNHT của Việt Nam còn quá ít, chỉ có khoảng 300 DN đủ tiêu chuẩn, trong khi Thái Lan khoảng 2.000 DN.
Để có thể thúc đẩy năng lực của các DN ngành CNHT, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN bằng việc tổ chức nhiều hơn các hội chợ tại thị trường quốc tế với các gian hàng “màu sắc” Việt Nam. Sự hiện diện của Việt Nam ngoài việc tạo cơ hội thị trường còn chứng tỏ, Việt Nam có ngành CNHT và đang phát triển rất tốt. “Vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi cho đầu tư ban đầu, để tác động đến DN như vốn vay, công nghệ, đào tạo… khuyến khích thương mại hàng hóa 2 chiều EU – Việt Nam” – bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hiệp hội DN CNHT cũng tăng cường làm đầu mối thương mại về máy móc, thiết bị; nâng cao năng lực tư vấn và đào tạo năng lực sản xuất cho các DN…
Dự án “CNHT Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu do Liên minh châu Âu tài trợ với tổng ngân sách hơn 412.000 EUR. Dự án được thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017. Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực ngành CNHT Việt Nam cho các DN nhỏ và vừa, trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, nhựa, cao su… |
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn