Ngày 10/8, Sở Công thương Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với Công ty CP NC Network Việt Nam (NCNV) tổ chức lớp đào tạo
“Trang bị tâm thế, nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô” dành cho các doanh nghiệp chế tạo Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết đây là một trong 4 khóa đào tạo của Chương trình phổ biến kiến thức, tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hà Nội do Sở Công Thương chủ trì.
Ông Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp là cần thiết nếu muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, chương trình đào tạo được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng tiếp cận, sẵn sàng đón nhận và đáp ứng được với các đơn hàng của đối tác, hợp tác thuận lợi với các nhà nhập khẩu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ra thế giới, trong đó có thị trường Nhật Bản.
Theo ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty CP CN Network Việt Nam: Từ những thông tin nền tảng cơ sở đến những thông tin công nghệ kỹ thuật mới đang được áp dụng triển khai trên thế giới, cùng sự kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau và sự hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp có thể tìm ra phương pháp quản trị, phương án sản xuất, định hướng sản phẩm, thị trường riêng cho doanh nghiệp mình.
Bên cạnh lý thuyết, các học viên có cơ hội tiếp cận với các hãng sản xuất có bề dày lịch sử của Nhật Bản thông qua những buổi tham quan nhà xưởng để từ đó có thể phân tích rút ra bài học thực tiễn. Với những chuyển biến trong nhận thức và với sự quyết tâm lớn đồng hành đến cùng chương trình của các doanh nghiệp:
“Chúng tôi tin tưởng trong thời gian 1 năm, 2 năm, 3 năm chúng ta chắc chắn sẽ có cụm chi tiết made in Việt Nam được lắp rắp vào ô tô được chạy trên đường của Việt Nam hay cả trên thế giới”, ông Otsuka Tetsuhisa khẳng định.
Cũng tại khóa đào tạo này, các học viên còn được tiếp cận với khái nhiệm “Quản trị tinh gọn Made in Việt Nam” của ông Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch hội đồng chuyên môn Viện Quản trị Tinh gọn GKM. Đây là phương thức quản trị tiên tiến nhằm mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đưa các thương hiệu Việt ngày một lớn mạnh, vươn ra biển lớn.
Ông Minh cho biết: “Tư duy “Quản trị tinh gọn Made in Vietnam” là tư duy quản trị tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, tổ chức bằng cách dùng trí tuệ của con người hoặc trí tuệ của tổ chức, cắt giảm tối đa chi phí lãng phí. Trong đó, chi phí lãng phí tồn tại dưới hai hình thức là chi phí lãng phí vô hình và chi phí lãng phí hữu hình. Chi phí lãng phí hữu hình phổ biến và khá dễ nhận dạng trong quá trình sản xuất kinh doanh như dư thừa kho bãi, máy móc thiết bị không sử dụng hết công suất, lãng phí do sai hỏng… Còn chi phí lãng phí vô hình là điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Nó là những chi phí lãng phí trong tư duy như: tầm nhìn, cách thức triển khai công việc, cơ hội phát triển, phương pháp làm việc… Chi phí lãng phí này được cho là nhiều hơn đáng kể so với các lãng phí hữu hình”. Vì vậy “Quản trị tinh gọn Made in Việt Nam” sẽ là hành trang cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.
Chuỗi chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo sẽ được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay.
Văn phòng NSCL tổng hợp