Mô hình quản lý năng lượng trước khi chính thức được tiêu chuẩn hóa thành Tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001 do Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế công bô cuối năm 2011, nhiều nước đã tự xây dựng hệ thống quản lý năng lượng áp dụng cho mình như tiêu chuẩn châu Âu là EN16001:2009 hay ANSI/MSE 2000 của Mỹ, GB/T 23331:2009 của Trung Quốc. Các tiêu chuẩn này đều có những điểm tương đồng đó là quy định về 6 thành phần chung nhất cho một hệ thống quản lý năng lượng của doanh nghiệp gồm:
- Cam kết của lãnh đạo về chính sách năng lượng
- Cơ cấu tổ chức để thực hiện quản lý năng lượng
- Có cơ chế thúc đẩy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực triển khai hoạt động hiệu suất năng lượng
- Hệ thống kiểm soát đo lường sử dụng năng lượng
- Hệ thóng tuyên truyền, marketing
- Cơ chế nguồn vốn dành cho các dự án TKNL.
Đối với mỗi yếu tố này đều có 5 cấp độ từ không đến có, đến hoàn thiện để đánh giá trình độ quản lý năng lượng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả sẽ tiết giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, áp dụng tốt hệ thống này luôn là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Số lượng doanh nghiệp có ISO 50001 hiện nay ở nước ta còn đếm trên đầu ngón tay. Đối với những doanh nghiệp đang có kế hoạch áp dụng hệ thống này cần lưu ý:
- Doanh nghiệp không thể ngay lập tức xây dựng hệ thống mà phải làm từng bước, bắt đầu bằng việc chuyển biến nhận thức của lãnh đạo. đây là yếu tố cần để xây dựng mô hình thành công;
- Kế hoạch triển khai công việc cụ thể, lãnh đạo cần bổ nhiệm người quản lý năng lượng, giúp lãnh đạo quán xuyến việc liên quan như dự thảo chính sách năng lượng, xây dựng cơ cấu tổ chức của ban chuyên trách, xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết … từng bước hoàn thiện dần, thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của tiêu chuẩn quản lý năng lượng;
- Xây dựng các hướng dẫn hay trình tự công việc, phân trách nhiệm cho từng người có thể nhờ tư vấn nếu cần. Các doanh nghiệp đã có hệ thống ISO 9001 hay ISO 14000 có thể vận dụng những tương đồng để xây dựng hệ thống cho mình hoặc tích hợp vào cùng một hệ thống để quản lý năng lượng.
Các địa phương, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương xây dựng lực lượng để có khả năng tư vấn kiểm toán năng lượng và xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Các đơn vị đủ năng lực hiện nay như trung tâm TKNL Hà Nội và Hồ Chí Minh đã có thể giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Đối với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (khoảng 1200 doanh nghiệp), vấn đề khó khăn là ngoài cam kết về chính sách năng lượng của lãnh đạo doanh nghiệp, cần phải có người quản lý năng lượng được bổ nhiệm, theo tiêu chuẩn đã được Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định với hai điều kiện, thứ nhất phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng về chuyên ngành năng lượng hoặc các ngành kỹ thuật liên quan; thứ hai là phải có chứng chỉ quản lý năng lượng do Bộ Công Thương cấp.
Bộ Công Thương đã tổ chức các khóa đào tạo với số lượng khoảng vài trăm mỗi năm trong khi nhu cầu của doanh nghiệp lại rất lớn. Như vậy, mục tiêu hết năm 2014, toàn bộ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm phải hoàn thành hệ thống quản lý năng lượng đã không khả thi. Vì vậy, doanh nghiệp nên tự chủ động, chuẩn bị kế hoạch và thực hiện từng bước để có thể xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho doanh nghiệp mình.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)