Doanh nghiệp Bến Tre: Nâng cao năng suất nhờ đổi mới sáng tạo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới sáng tạo, với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hỗ trợ đổi mới, kiến tạo, tỉnh Bến Tre quyết tâm thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; liên kết hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp và KCN trong địa bàn tỉnh nhằm thương mại hóa đưa kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhờ đó mà nâng cao năng suất chất lượng.

Đổi mới sáng tạo tại địa phương đã ứng dụng thành tựu, giải pháp quản lý, kỹ thuật, công nghệ  để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Nhờ đó góp phần thúc đẩy sáng tạo tại địa phương như đổi mới sản phẩm, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, các công ty dựa trên công nghệ mới, nhu cầu và cạnh tranh, chính sách, R&D từ Nhà nước, nguồn nhân lực,… Đối với doanh nghiệp, một số hoạt động đổi mới sáng tạo phải kể tới như: Nghiên cứu phát triển và đổi mới sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới hoặc cải tiến để phù hợp hơn cho mục đích sử dụng; đổi mới trong tổ chức và quản lý, cải thiện môi trường làm việc của người lao động; tiếp cận công cụ cải tiến năng suất, tiết giảm chi phí, …

Thực tiễn cho thấy đổi mới sáng tạo ở Bến Tre tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó việc đổi mới sản phẩm nước dừa đóng lon, đặc biệt là nước dừa đóng hộp như dừa trái mà không cần dùng đến chất bảo quản được xem là điển hình nhất. Sau khi chế biến, nước dừa vẫn giữ mùi vị, màu sắc và giá trị dinh dưỡng như ban đầu; mặt khác nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống.

Đổi mới mô hình kinh doanh trong doanh nghiệp là việc doanh nghiệp dựa trên nền tảng trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh kết nối lại thành hệ thống kinh doanh mới giúp cho doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh từ những mô hình có sẵn để có lựa chọn thật sự phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điển hình cho việc đổi mới mô hình kinh doanh của tỉnh đó là tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh. Hợp tác xã thu hút 200 thành viên tham gia với số nguồn vốn điều lệ lên tới 10 tỷ đồng, nhờ đó trở thành điển hình trong việc thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp đầu vào giảm 5 – 10% tùy từng loại dịch vụ và mua lại đầu ra tăng 10% cho thành viên của hợp tác xã so với thị trường bên ngoài. Thị trường tiêu thụ mở rộng ra cả các tỉnh phía Bắc, doanh thu đạt lên tới 45 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành quả đổi mới công nghệ ấn tượng của tỉnh không thể không nhắc tới đó là nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO). Công nghệ này được áp dụng đầu tiên ở nước ta, tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, công nghệ ly tâm không gia nhiệt theo quy mô công nghiệp với công suất lên tới 300 lít/giờ. Hiệu quả cho thấy chất lượng sản phẩm tăng đáng kể. Dầu dừa tạo ra có giá trị cao gấp 4 lần so với dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần so với dầu dừa thô, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới