Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chủ động đầu tư cho KH&CN vẫn còn không ít DN còn lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Còn ít doanh nghiệp dám “mạnh tay” rót vốn đầu tư KHCN.
Thời gian qua, một số DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào quá trình hoạt động sản xuất đã giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đầu tư về đổi mới công nghệ.
Đầu tư đổi mới công nghệ là ưu tiên hàng đầu của Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) nhằm tạo dựng thương hiệu, phát triển toàn diện và bền vững từ năng suất sản xuất đến chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chính nhờ được đầu tư đổi mới công nghệ, lợi nhuận của công ty không ngừng tăng lên. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2011-2014 của Baseafood đạt hơn 64 tỷ đồng.
Từ năm 2005 đến năm 2015, công ty đã đầu tư nâng cấp 3 xí nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam HACCP với kinh phí 2,5 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải cho 3 xí nghiệp với kinh phí 2,5 tỷ đồng…
Năm 2015, công ty đã đầu tư đổi mới công nghệ cho toàn nhà xưởng Xí nghiệp Chế biến XNK thủy sản I nhằm xây dựng một nhà máy chế biến các mặt hàng thủy sản chất lượng cao, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như xây dựng hệ thống máy nén lạnh, băng chuyền cấp đông, tủ đông gió và điều kiện nhà xưởng thuộc thế hệ mới nhất hiện nay.
Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thăm dò, chế biến dầu khí cũng đặc biệt coi trọng việc đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Theo đó, giá trị dịch vụ thực hiện của Xí nghiệp đã tăng từ 7,18 triệu USD năm 2001 lên hơn 15 triệu USD vào năm 2009 và năm 2014 con số này đã vượt mức 33 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Liên Thủy, Trưởng Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan cho biết: Hoạt động của Xí nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố: Sự phát triển nhanh và ngày càng chuyên sâu của các phương pháp đo ghi địa vật lý kèm theo thiết bị máy giếng không ngừng đổi mới; Những nhiệm vụ địa chất – địa vật lý khác nhau nảy sinh ngày càng nhiều và phức tạp trong quá trình thăm dò, khai thác dầu khí; đặc biệt là sự đa dạng và phong phú về đặc tính (vật lý – thạch học, thấm – chứa, thủy – động lực học…) của các đối tượng nghiên cứu nằm sâu hàng kilomet dưới lòng đất… mà chỉ có thường xuyên đổi mới, cải tiến công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những DN chủ động huy động nguồn vốn đầu tư cho KH&CN để tăng lợi nhuận, vẫn còn không ít DN chưa chủ động huy động nguồn vốn từ các kênh khác nhau để đầu tư cho KH&CN, mà lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 6.800 DN trong nước và khoảng 270 DN nước ngoài đang hoạt động, với ngành nghề kinh doanh đa dạng trên khắp các lĩnh vực và phát triển về cả quy mô, sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Trong số này có nhiều DN vừa và nhỏ, do yếu về năng lực tài chính nên sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ, cộng với tay nghề công nhân thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, chất lượng sản phẩm tạo ra chưa cao, nhiều DN tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp, một số DN bị thua lỗ, giải thể.
Tìm hướng đi cho doanh nghiệp
Để giúp DN vượt qua khó khăn, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cùng với việc ưu tiên bố trí ngân sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới, nâng cao trình độ; không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước để ứng dụng vào sản xuất.
Triển khai chương trình KH&CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ năm 2001-2014, chương trình KH&CN hỗ trợ DN của tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 151 đề án với số tiền hơn 6 tỷ đồng; trong đó có 86 đề án áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, 35 đề án đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm năng lượng, 11 đề án sản xuất sạch hơn và xử lý ô nhiễm, 19 đề án đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Từ năm 2012-2014, dự án năng suất chất lượng đã triển khai hỗ trợ cho 78 lượt DN với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng; trong đó, các DN được hỗ trợ về kinh phí đào tạo, hỗ trợ về các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hỗ trợ về chứng nhận chuẩn hợp quy, hỗ trợ về giải thưởng chất lượng quốc gia, hỗ trợ cải tiến toàn diện năng suất chất lượng…
Để đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, sự chủ động đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến của mỗi doanh nghiệp luôn đóng vai trò quyết định.