Đo lường thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng trong công nghiệp

Sáng nay 14/7, hội thảo “Đảm bảo đo lường trong công nghiệp” đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh và đại diện các cơ quan của Bộ KH&CN, của Tổng cục, lãnh đạo các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL địa phương cùng đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh, với tư cách là một ngành khoa học – kỹ thuật chính xác, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường chính xác góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo công bằng trong thương mại, đảm bảo sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của nhân dân, phát triển được khoa học – công nghệ và là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và công bằng xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, để phát triển và hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 và để hỗ trợ cho doanh nghiệp liên quan đến khoa học công nghệ bao gồm cả hoạt động đo lường. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BKHCN ngày 15/6/2016 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. Thực hiện chương trình, kế hoạch này, chúng ta thấy nhiều nội dung cần phải giải quyết để hỗ trợ các DN. Thứ trưởng Trần Việt Thanh kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ góp phần vào xây dựng, phát triển và hỗ trợ về đo lường cho các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Được coi là một “mặt trận” trong lĩnh vực TCĐLCL, hoạt động đo lường cho doanh nghiệp thời gian vừa qua đã có nhiều bước chuyển biến rõ nét, đặc biệt là đã theo sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính thống nhất, tin cậy, chính xác của phép đo trong đo lường công nghiệp nhằm kiểm soát các thông số công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến để tạo sản phẩm, hàng hóa đáp ứng với yêu cầu quy định mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các DN. Theo ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng – Vụ Đo lường thuộc Tổng cục TCĐLCL, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. “Với hệ thống hơn 300 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường cùng hệ thống VBQPPL về đo lường, trong thời gian tới định hướng phát triển đo lường để hỗ trợ DN và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trên cơ sở tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó chú trọng giải pháp về đo lường”, ông Giầu cho biết. Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, những kết quả nổi bật ghi nhận từ thực tế hoạt động của EVN trong lĩnh vực đo lường cho thấy, từ năm 2010 đến 2015 tổn thất điện năng của ngành điện giảm từ 10,15% xuống còn 7,94%. Với 160 tỉ kWh điện sản xuất trong năm 2015 thì 1% giảm tổn thất sẽ mang loại hiệu quả rất lớn. Hội thảo ghi nhận thêm nhiều tham luận của các đại diện đến từ Tập đoàn Dầu khí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các Sở KH&CN… với nhiều nội dung xung quanh các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động đo lường để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong giai đoạn đến 2025 và định hướng đến 2030; Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đo lường nhằm nâng cao năng lực, khả năng về đo lường. Đặc biệt, các vấn đề về nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ về đo lường cho các DN cũng như việc xây dựng chương trình khung đảm bảo đo lường cho DN cũng được các đại biểu đưa ra bàn thảo. Đo lường công nghiệp ứng dụng các kết quả của hoạt động đo lường khoa học vào sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học và đời sống và mang lại những hiệu quả tích cực. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hàng năm khoảng 1 triệu đồng hồ nước lạnh, hàng chục nghìn đồng hồ đo áp lực được kiểm định để sử dụng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch, đóng góp tích cực vào giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch ở Việt Nam. Bên cạnh đó, theo số liệu từ Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch, giai đoạn 2011-2016 đạt kết quả khả quan, giảm tỷ lệ thất thoát trung bình cả nước từ 30% trong năm 2009 xuống còn 23,5 -24% năm 2016, nhiều đơn vị cấp nước đạt kết quả chống thất thu, thất thoát vượt trội.

Nguồn: http://www.tcvn.gov.vn

Tin mới