Việc phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là nền tảng cơ bản và là động lực thúc đẩy nhanh tiến trình cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh. Chương trình khuyến công của tỉnh Sơn La đã và đang được triển khai và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mới đây, Sở Công Thương Sơn La đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chè Ô long cao cấp và chè túi nhúng xuất khẩu” của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Mộc Sương.
Mục tiêu của đề án là khuyến khích và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu từ đầu nguồn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao uy tín, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa trên thị trường trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.
Với nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ là 200 triệu đồng, Doanh nghiệp Mộc Sương đã tự bỏ thêm số vốn 256 triệu đồng để đầu tư mua thiết bị đóng gói chè túi nhúng tự động năng suất 30-50 túi/phút (tổng số tiề là 456 triệu đồng). Đây là loại thiết bị tự động định lượng chè, tự động đóng túi chè (loại túi nhúng), tự động các thao tác kẹp dây, dán nhãn mác, bao túi ngoài, hàn mép túi và ra sản phẩm chè túi nhúng. Hiện tại, năng suất được ghi nhận tại cơ sở sản xuất chè của doanh nghiệp là khoảng 5 tấn sản phẩm chè túi nhúng trong 1 năm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản phẩm chè Oolong và chè túi nhúng mới có giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần sản phẩm chè Ôlong vo viên trước đây của doanh nghiệp.
Do nhiều công đoạn chế biến và đóng gói chè đã được máy móc thiết bị thực hiện một cách tự động hóa, số lượng lao động thủ công giảm làm giảm chi phí nhân công, bên cạnh đó là các lợi ích kinh tế khác cũng được mang đến khi lượng sản phẩm sai lỗi giảm, chi phí sản xuất giảm, thời gian sản xuất/sản phẩm giảm và năng suất lao động tăng. Cụ thể, theo tính toán, doanh nghiệp có thể tiết kiệm lên tới trên 200 triệu đồng/năm, góp phần tích cực vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 500.000 USD/năm.
Công nghệ đóng gói chè trên địa bàn tỉnh Sơn La so với thế giới hoặc với lĩnh vực khác trong nước chưa phải là hiện đại, tiên tiến, nhưng là cơ sở đầu tiên áp dụng để sản xuất ra sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên rất cần khuyến khích và mở rộng phạm vi phổ biến công nghê, hỗ trợ tới các cơ sở sản xuất chế biến chè khác trên địa bản tỉnh cùng áp dụng.
Văn phòng CPSI