Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại Khánh Hòa cũng tích cực cải tiến máy móc, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đầu tư chiều sâu
Ông Phạm Văn Lụm – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Bảo cho biết, công ty của ông chuyên sản xuất các thiết bị phụ trợ cho ngành đóng tàu để cung cấp cho Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin và một vài đối tác tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, xưởng sản xuất chật chội, máy móc không đủ; trong khi đó, ngày càng có nhiều DN kinh doanh cùng lĩnh vực nên sức cạnh tranh rất cao. Vì vậy, đầu năm 2016, công ty quyết định thuê lô đất rộng 5.000m2 trong Cụm công nghiệp Diên Phú để mở rộng xưởng sản xuất với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn đặt hàng bên Nhật Bản máy chặt thép, máy nén khí, máy cuốn ống với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. “Chúng tôi quyết định đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu về mẫu mã cũng như chất lượng của đối tác. Đồng thời, tìm kiếm thêm khách hàng để nâng cao doanh thu, tăng thu nhập cho kỹ sư, công nhân”, ông Lụm nói.
Công ty TNHH Việt Pháp (huyện Diên Khánh) chuyên sản xuất dụng cụ thể thao cũng không ngừng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Ông Hoàng Trọng Tứ – Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Việt Pháp cho biết, do máy móc hiện nay thay đổi liên tục nên đơn vị phải thường xuyên cập nhật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng đưa máy móc vào thay dần sản xuất thủ công để tăng độ chính xác của sản phẩm. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sản xuất sản phẩm chất lượng tốt nhất, lúc đó mới tạo ra thương hiệu để đứng được trên thị trường trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, hàng dụng cụ thể thao Thái Lan đã bắt đầu vào Việt Nam, nếu mình muốn đứng vững thì chất lượng sản phẩm cũng phải tương đương họ”, ông Tứ nói.
Nhận hỗ trợ từ kinh phí khuyến công
Theo ông Lê Ngọc, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, thời gian qua, rất ít DN vừa và nhỏ quan tâm đến việc đầu tư, đổi mới thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguyên nhân một phần vì thiếu kinh phí, một phần do các chủ DN còn nhìn nhận chưa đúng về vấn đề này. Tuy nhiên, gần đây, nhiều DN đã đầu tư kinh phí để đổi mới trang thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Khắc Huy (Phòng Khuyến công – Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại) cho rằng, với những điều kiện phát triển và hội nhập như hiện nay, nếu các DN không chịu cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm thì sớm muộn cũng bị thị trường đào thải. Chẳng hạn, sản phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ xây dựng Minh Đức (Cụm công nghiệp Đắc Lộc) không thể tìm được đầu ra vì dây chuyền sản xuất gạch nhẹ không phù hợp, nên phải phối hợp với một công ty chuyên sản xuất bê tông để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Huy, Nhà nước luôn khuyến khích các DN đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, hàng năm, UBND tỉnh đều phê duyệt kế hoạch khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN đổi mới dây chuyền, mở rộng sản xuất với kinh phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia cho các địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Năm 2015, Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia 96 đã nhận được 350 triệu đồng hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia khi đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung hiện đại. Công ty TNHH Hưng Bảo, Công ty TNHH Tân Hoàng Long, Công ty HTH… cũng đang chờ được xét duyệt. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã lập kế hoạch khuyến công năm 2016 với 13 DN được hỗ trợ, đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2014, tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ các DN là 1,5 tỷ đồng; năm 2015 là 1,4 tỷ đồng…