Điển hình áp dụng TPM tại Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu

Công ty Cổ Phần Dụng Cụ Cơ Khí Xuất Khẩu được thành lập từ năm 1960 thuộc Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp – Bộ Công nghiệp. Năm 2001 công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần với 100% cổ đông là cán bộ, công nhân viên đã và đang làm việc trong công ty. Qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, công ty luôn luôn quan tâm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa hệ thống quản lý.

Năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu (EMTC) đã hoàn thành Chương trình TPM kéo dài 6 tháng (6-11/2020) và đã tăng chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể tại máy gia công chuyên dùng lên 5%.

Việc thực hiện TPM nhằm tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt vòng đời của thiết bị, đồng thời nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động. Với TPM, mọi người cùng hợp lực và tương tác với nhau để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị một cách hiệu quả nhất. Suy nghĩ trách nhiệm của tôi (công nhân vận hành thiết bị) là vận hành thiết bị, trách nhiệm của anh (công nhân bảo trì) là sửa chữa thiết bị, được thay bằng tôi và anh cùng chịu trách nhiệm về thiết bị của chúng ta, nhà máy của chúng ta, tương lai của chúng ta.

Với mục tiêu gia tăng hiệu suất thiết bị tổng thể OEE tại thiết bị sản xuất xu hướng là máy gia công chuyên dùng, phía Công ty EMTC và đơn vị tư vấn thống nhất triển khai 2 trụ cột chính của TPM là Bảo trì tự quản và cải tiến có trọng điểm với chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả chương trình là OEE. Trong quá trình triển khai, Tư vấn hỗ trợ hướng dẫn bổ sung một số hoạt động Bảo trì có kế hoạch nhằm duy trì ổn định OEE.

Chỉ số OEE được thu thập từ tháng 7 đến tháng 11 tại máy gia công chuyên dùng K206 cho thấy tổn thất lớn nhất là tổn thất dừng máy với chỉ số tổn thất trung bình hàng tháng là hơn 20%. Các hoạt động cải tiến được thực hiện để tập trung cải thiện chỉ số này bao gồm sắp xếp lại dòng chảy sản phẩm để giảm thời gian lấy phôi, giảm thời gian lọc phôi. Thời gian mài dao được triệt tiêu nhờ chuẩn bị sẵn sàng các loại dao khoét, fere, khoan cho từng ca sản xuất.

Đối với các sự cố dừng máy, bộ phận bảo trì tiến hành phân tích dừng máy để xác định nguyên nhân gốc rễ, đề xuất các giải pháp cải tiến, từ đó làm tài liệu tham khảo cho các lỗi tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai hoặc lỗi xảy ra tại các máy tương tự. Bên cạnh đó, nhật ký sữa chửa, khắc phục sự cố tại máy cũng bắt đầu được đưa vào áp dụng để tính toán các chỉ số MTTR, MTBF, hướng tới quản lý thiết bị và nhân sự bảo trì tốt hơn. Về lâu dài, danh mục linh kiện vật tư dự phòng và kế hoạch bảo trì tổng thể cần được sửa đổi phù hợp với tình trạng thực tế của thiết bị.

Đối với hoạt động bảo trì tự quản, nhân sự vận hành tại máy thí điểm đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc thiết bị cơ bản và phát hiện sớm bất thường thiết bị. Việc thực hiện 5S và bảo trì cơ bản máy như bố trí lại hệ thống dây điện, dây khí, công cụ dụng cụ, bán thành phẩm, cải tiến che chắn phoi…giúp khu vực máy gọn gàng, quy củ hơn, giảm thời gian vệ sinh cho nhân viên vận hành.

Việc áp dụng tổng hợp các giải pháp từ chăm sóc thiết bị cơ bản, cải tiến trọng điểm và bảo trì thiết bị đã giúp gia tăng chỉ số OEE tại máy gia công chuyên dùng lên 5%, tăng sản lượng sản phẩm trung bình 60-70 chiếc. Từ kết quả này, lãnh đạo công ty dự kiến sẽ mở rộng triển khai các nội dung kỹ thuật của TPM ra toàn xưởng Cơ khí 1 và toàn công ty trong thời gian tới.

Văn phòng NSCL

Tin mới