Mô hình nhóm huấn luyện (Training Within Industry – TWI) là một hình thức đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kĩ năng thiết yếu cho các giám sát viên với mục tiêu cải thiện kỹ năng hướng dẫn, kỹ năng làm việc nhóm và tối ưu phương pháp làm việc.
Mô hình này cũng là nền tảng cho nhiều công cụ cải tiến như hệ thống sản xuất tinh gọn Lean, công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), Quản lí chất lượng toàn diện (TQM)…
Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC 2) thực hiện, Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú đã lựa chọn tham gia áp dụng mô hình nhóm huấn luyện TWI và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tham gia chương trình, ban lãnh đạo Công ty Phong Phú đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, máy móc tự động hóa cho nhà máy để đáp ứng các yêu cầu cải tiến và nâng cao năng lực quản lý. Hệ thống trang thiết bị hiện đại đã mở ra nhiều cơ hội mới trong lộ trình cải tiến của công ty. Bên cạnh đó, các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001 cũng được sử dụng như một thước đo tiêu chuẩn để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất, Nhóm huấn luyện TWI đã lựa chọn phân xưởng se sợi, phân xưởng may và văn phòng làm đối tượng thí điểm mô hình nhóm huấn luyện. Tại đây, các cán bộ tham gia đã được trau dồi nhiều kĩ năng khác nhau nhằm nâng cao năng lực quản lý. Điển hình như:
Kỹ năng Chỉ dẫn việc (JIT): Nhóm đã hướng dẫn để đảm bảo tính đồng nhất về tay nghề công nhân, giảm lệ sai lỗi cao, hạn chế lãng phí thời gian kiểm soát chất lượng và xử lý hàng lỗi tại mỗi công đoạn, tiêu chuẩn hóa quá trình đào tạo nhân viên, qua đó nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Kỹ năng Cải tiến Phương pháp làm việc (JMT): Nhóm huấn luyện TWI của doanh nghiệp đã hỗ trợ đội ngũ quản lý cấp trung trong việc lập biểu đồ tổng hợp, phân tích, nhờ đó đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời giúp hạn chế những thiệt hại không đáng có. Ngoài ra, nhóm cũng cải tiến quy trình sản xuất cho công đoạn sắp xếp và đóng gói cuộn se sợi. Kết quả sau cải tiến đã giảm từ 4 xuống còn 2 công nhân (1 công nhân đóng bao và 1 đóng gói) nhưng vẫn đảm bảo công suất đạt 4 tấn/ngày nhờ đầu tư thêm xe inox chứa sợi và giảm được 3,5 giờ/ngày (là thời gian sắp xếp cuộn sợi lên pallet).
Kỹ năng cải tiến quan hệ trong công việc (JRT): Nhóm TWI đã tư vấn để cải thiện mối quan hệ giữa cấp quản lý và nhân viên, đồng thời hỗ trợ giải quyết các gút mắc giúp tỷ lệ công nhân nghỉ việc giảm so với cùng kỳ năm trước tại phân xưởng se sợi.
Với sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tự động hóa quy trình sản xuất đã giúp nhiều Doanh nghiệp nâng cao chuyên môn sản xuất bằng việc áp dụng công nghệ linh hoạt, có khả năng tùy biến cao. Máy móc sẽ trở thành một thực thể độc lập có khả năng thu thập dữ liệu, phân tích và tư vấn cho ngành sản xuất. Về vai trò của con người, người sản xuất sẽ giao tiếp với máy móc thay vì điều khiển nó. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc Cách mạng này chính là việc kết nối thực tế giữa con người, máy móc và vật thể.
Văn phòng NSCL