Trong quá trình áp dụng các hệ thống quản lý năng suất, chất lượng, không phải lúc nào các DN cũng ngay lập tức thu được thành công. Tuy nhiên, nếu không áp dụng các hệ thống này, các DN sẽ rất khó để nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được những thành công trong sản xuất, kinh doanh.
Bài học từ “gắn chíp” nhân viên
Trong những năm gần đây, bài toán nâng cao năng suất chất lượng đã được nhắc đến như là “chìa khóa vàng” giúp DN mở cánh cửa thành công, đặc biệt quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới sẽ khiến các DN Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm của các DN nước ngoài. Nhiều DN Việt Nam nhờ chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đã có được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
Chia sẻ về quá trình cải tiến năng suất, chất lượng của DN, Th.S. Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện – THIBIDI (Đồng Nai) cho biết, trong thời gian qua, DN đã sử dụng công cụ thống kê và nguyên lý 20/80 trong quá trình cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hướng tới phòng ngừa, tránh sai sót lặp lại. Bản thân DN đã xây dựng và triển khai chính sách chất lượng nhất quán trong toàn công ty, khuyến khích thúc đẩy sáng tạo và cải tiến. Được biết, công cụ này dựa theo triết lý, có 20% công việc quyết định 80% thành công của DN, theo đó, trong từng việc phải biết chọn ra những khâu xung yếu, những điểm quan trọng để tập trung nỗ lực giải quyết, tránh làm việc tràn lan, kém hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Bích cũng cho biết, DN quản trị chất lượng theo nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu”. Việc quản lý các chi phí giúp THIBIDI nhận biết các cơ hội cải tiến chất lượng, thực hiện các hành động khắc phục, ngăn ngừa và đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, trong đó xác định nhân lực quyết định chất lượng, DN luôn chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cho CBCNV. Theo đại diện Công ty THIBIDI, nhờ việc áp dụng hiệu quả công cụ quản lý chất lượng, trong năm 2015, THIBIDI tiếp tục tăng trưởng hơn 20%, đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 70% thị phần tại miền Nam và miền Trung và xuất khẩu đạt 45% thị phần tại Campuchia.
Bà Đào Thúy Hà, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, nhờ quản trị hệ thống tốt, tiên phong trong phát triển hệ thống vùng trồng dược liệu sạch cùng bà con nông dân, DN đã đạt được những thành tích cao trong sản xuất kinh doanh khi tốc độ tăng trưởng đạt 23%, trở thành DN đứng đầu trong lĩnh vực dược.
Một trong những thành công của Traphaco trong thời gian qua chính là thay đổi chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng. Nếu trước đây DN thường bán cho các nhà thuốc bán buôn thì từ năm 2014, DN tiếp cận các nhà thuốc bán lẻ. Từ việc đến nhà thuốc, lấy đơn hàng, xuất hàng và giao hàng chỉ trong 24h. Theo cách đó, hiện nay DN đã bán được hàng cho 22.000 nhà thuốc trên toàn quốc, chiếm 50% hệ thống nhà thuốc hiện nay. Để có được thành công này, theo bà Hà phần lớn là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào toàn bộ hệ thống, đặc biệt là quản trị hệ thống phân phối. Khi áp dụng CNTT, công ty đã phải “gắn chip” cho nhân viên, theo đó, nhân viên bán hàng của DN được trang bị máy tính bảng khi đến làm việc với các nhà thuốc, các máy tính này được định vị để có thể kiểm soát được lộ trình, công việc của nhân viên hàng ngày. Khi trình dược viên đến cách nhà thuốc 3m, tự động các thông tin của nhà thuốc sẽ được cập nhật, trình dược viên có thể lấy được các đơn hàng, giới thiệu các sản phẩm của DN dựa trên các thông tin được cập nhật trên máy tính bảng và công ty nhanh chóng cập nhật được dữ liệu và lịch sử bán hàng của từng khách hàng, từ đó giúp cho quá trình bán hàng của DN tốt hơn.
Cắt bỏ sự rườm rà
Không chỉ một, các DN có thể cùng lúc áp dụng nhiều hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Là đơn vị đã tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2015, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết hiện công ty đang áp dụng một số hệ thống như QHSE, ISO 9001; ISO 14001, OHSAS. Nhờ đó, sản phẩm của công ty luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường, an toàn sức khỏe. Một phong trào sâu rộng về thực hiện cải tiến liên tục và tác phong làm việc gọn gàng, sạch sẽ đã được tạo ra trong toàn công ty. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã giúp công ty thường xuyên phát hiện những điểm chưa hoàn thiện để khắc phục và cải tiến.
Theo ông Phạm Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dược, thời gian qua DN không ngừng cải tiến nâng cao “năng lực lõi” trong quản trị, từ quản lý nguyên liệu đầu vào, kiểm soát các vùng trồng để có được nguyên liệu tốt nhất với giá và chi phí thấp, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giảm chi phí, giá thành, năng suất chất lượng cao. Một điểm rất mới là DN xác định sử dụng công nghệ để thiết lập chiến lược cho năng lực lõi đó là tiếp cận khách hàng bằng công nghệ trực tuyến, giúp cho DN có sự cải tiến, cung cấp cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá thành giảm. Suốt trong 6 năm qua DN đã nỗ lực để tung ra thị trường những sản phẩm tốt nhất và nỗ lực đó đã được ghi nhận khi DN đã lần lượt đạt giải vàng chất lượng quốc gia cũng như của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đông cũng cho biết, không phải cứ áp dụng các hệ thống là thành công ngay, mà đã có những thất bại. Theo đó, từ năm 2009 DN áp dụng nhiều hệ thống quản lý như 5S, TQM… Hai năm đầu áp dụng, DN có sự thay đổi nhất định, nhưng 3 năm sau mọi thứ rất nặng nề. Hệ thống chạy không được trơn tru, các hệ thống không trùng khớp, không kết nối được, cùng một công việc nhưng phải làm nhiều hồ sơ giấy tờ… tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống quản lý chất lượng. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN dũng cảm nhìn thẳng vấn đề và chấp nhận gạt bỏ những gì rườm rà. Giống như ta khoác trên người quá nhiều cái áo, cái nào không phù hợp, thiếu thiết thực nên chấp nhận khoanh vùng và loại bỏ nó. Sau đó, DN đã tinh gọn lại để khơi thông dòng chảy. Nguyên nhân do lãnh đạo DN thường muốn áp dụng trên quy mô rộng, nhưng khi áp dụng lại không khả thi. Vì thế cần xác định quy mô hợp lý để triển khai được lan tỏa rộng, phù hợp với nguồn lực của DN.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Bích cho rằng, hiện có rất nhiều hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ năng suất chất lượng ra đời khiến không ít DN gặp bối rối trong việc chọn lựa một hệ thống, công cụ thích hợp để áp dụng cho DN mình. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của DN, nên chăng cần có sự hỗ trợ từ việc tư vấn và mở các lớp đào tạo về chương trình nâng cao năng suất, chất lượng để từ đó DN có cái nhìn cụ thể hơn, dễ dàng định hướng hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận thông tin và lựa chọn công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến để áp dụng.