Dữ liệu sự cố kẹt vòng da được thống kê lại. Nhóm cải tiến dựa trên dữ liệu đó xác định được khu vực ưu tiên thực hiện cải tiến là máy con số 1, xưởng 3 do số sự cố xảy ra trong tháng là lớn nhất. Mục tiêu của nhóm được thiết lập để cả nhóm cùng cố gắng hướng tới.
Sau khi hiểu vấn đề, nắm được nguyên lý hoạt động của chi tiết máy thường xuyên gặp sự cố, cả nhóm đã phân tích và tìm hiểu nguyên nhân gây kẹt vòng da tại máy con số 1. Nhân viên bảo trì và vận hành đã cùng bàn và tìm giải pháp.
Bà Tăng Thị Hồng Loan – đại diện nhóm chuyên gia tư vấn – cho biết: Thời gian đầu triển khai, nhóm giảm lỗi kẹt vòng da máy con từ 27 lần kẹt/tháng xuống còn 5 lần/tháng, gần đạt với mục tiêu đề ra ban đầu. Nhóm cần tiếp tục theo dõi dữ liệu và cải tiến nhằm đạt được mục tiêu. Nhóm giảm lỗi độ đồng đều sản phẩm tại máy ghép đạt 30% khi chỉ số đánh giá mà nhóm đưa ra chưa phù hợp. Nhóm giảm lỗi cắt tại máy ống phải làm lại phân tích nguyên nhân gốc do phạm vi quá rộng và cần có sự hỗ trợ từ nhân sự máy con và máy thô. Đồng thời, Nhóm cải tiến hoạt động bảo trì đặt mục tiêu giảm thời gian bảo trì dạng một tháng từ 170 phút xuống còn 140 phút thông qua sắp xếp hợp lý lại hoạt động bảo trì, bổ sung công cụ hỗ trợ.
Kết quả cuối cùng, nhóm cải tiến đã giảm được 96% số sự cố kẹt vòng da xảy ra tại máy con số 1 – xưởng 3. Kết quả này đã vượt mong đợi đặt ra khi khởi động nhóm. Ngoài ra, nhóm cũng xây dựng những tiêu chuẩn mới như hướng dẫn luồn thô, bài học 1 điểm lưu ý khi vệ sinh máy. Những tài liệu này đã được phê duyệt và ban hành để đào tạo nội bộ cho nhân viên khu vực máy con.
Bà Ngô Thị Đảm – Phó giám đốc Dệt Phú Thọ – cho biết, bằng việc tăng cường các hoạt động cải tiến theo nhóm, các thành viên trong Ban TPM của công ty được đào tạo và thực hành các phương pháp phân tích, cải tiến, nhằm nâng cao hiệu suất thiết bị tổng thể của cả dây chuyền. Qua đó, nhân viên được nâng cao tính chủ động, khả năng trình bày, tinh thần làm việc nhóm và hơn hết, sự hợp tác công việc giữa các bộ phận trước đây và bây giờ đã có sự cải thiện đáng kể.
“Với kết quả đạt được, nỗ lực của cả nhóm, hệ thống máy móc trong công ty được cải tiến đáng ghi nhận. Tôi mong muốn, nhóm tiếp tục áp dụng phương pháp để cải tiến những chủ đề tiếp theo của công ty” – bà Ngô Thị Đảm nhấn mạnh.
Chương trình TPM tại Công ty TNHH Dệt Phú Thọ được triển khai đến bước 3 và nhận được ủng hộ từ lãnh đạo đến các cấp quản lý và nhân viên toàn công ty. |
Nguồn: congthuong.vn