Dệt may Việt Nam: Lan tỏa tinh thần sáng tạo

Bên cạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động (NLĐ), Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục quan tâm, tổ chức tốt các phong trào thi đua, để mỗi NLĐ trong ngành dệt may đều trở thành người đoàn viên xuất sắc, NLĐ sáng tạo, người cán bộ giỏi.

Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam – Lê Nho Thướng – cho biết, năm 2019 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua trong toàn hệ thống để lập thành tích chào mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại của tổ chức công đoàn. Theo đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam kêu gọi mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, đoàn viên, NLĐ nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề, tận tụy, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc…

Để nâng cao chất lượng tay nghề cho NLĐ cũng như hiệu quả, năng suất cho doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo (LĐST)…”.

“Xác định rõ ý thức, phong trào thi đua, nhất là thi đua LĐST phải thực chất, hiệu quả, các cấp công đoàn trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn nâng cao trách nhiệm tổ chức, truyền lửa thi đua LĐST cho toàn thể đoàn viên, NLĐ. Nhờ đó, các phong trào thi đua LĐST trong toàn ngành dệt may được lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho DN” – ông Lê Nho Thướng chia sẻ.

Theo ông Thướng, để nâng cao hàm lượng chất xám cho từng sản phẩm và giá trị gia tăng cho DN, các cấp công đoàn trong ngành dệt may phải đồng hành cùng DN về đổi mới tư duy, nâng cao năng lực thích ứng, cải thiện tay nghề, cải tiến công nghệ, đầu tư trang thiết bị, máy móc. Điều đó đòi hỏi phong trào thi đua LĐST tại các đơn vị, DN phải được đẩy mạnh.

Báo cáo của Công đoàn Dệt May Việt Nam cho thấy, qua phát động thi đua, công nhân, viên chức lao động tại các đơn vị, DN luôn hưởng ứng tích cực. Kết quả hai năm gần đây cho thấy, năm 2017 toàn hệ thống có 1.083 đề tài, giải pháp được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho các đơn vị, DN gần 70 tỉ đồng. Năm 2018, toàn hệ thống cũng có hơn 2.100 đề tài, giải pháp, sáng kiến, cải tiến tiêu biểu. Nhiều đề tài được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại giá trị cao cho DN.

Đánh giá phong trào thi đua LĐST những năm gần đây do Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam – chia sẻ, không chỉ công nhân, viên chức, lao động thi đua mà cả lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng không ngừng thi đua LĐST.

Một trong những vấn đề ông Trường dành nhiều thời gian nghiên cứu trong năm qua là sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 trong ngành dệt may và thách thức với DN. Theo ông Trường, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là thách thức, nhưng không phải là thảm họa. Nó khiến chúng ta lo lắng về tốc độ đưa hàng hóa ra thị trường, về phương thức bán hàng, về các nhà máy thiếu bộ dữ liệu quản trị, quản lý phần mềm sản phẩm, quản lý sản xuất… nhưng là lo lắng để giúp chúng ta tìm biện pháp đưa DN phát triển.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin mới