Theo chuyên gia, yếu tố lao động giá rẻ giờ đây đã không còn là lợi thế lớn để Việt Nam có thể thúc đẩy sự gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn một số điểm nghẽn
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), có nhiều lý do dẫn tới việc năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và cách rất xa các nước phát triển. Trong đó, có lý do đến từ hạn chế trong môi trường làm việc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và nguồn vốn của Việt Nam còn thấp, tay nghề, kỹ năng của người lao động còn nhiều hạn chế.
Đối với những khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao NSLĐ, ông Thành cho hay, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc chuyển từ các khu vực có năng suất thấp sang khu vực kinh tế có năng suất cao đang có dấu hiệu chững lại.
Nguyên nhân xuất phát quá trình đô thị hóa, cũng như khả năng đáp ứng của người lao động để chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị còn hạn chế. Mặt khác, bản thân các ngành vốn có thể hấp thụ một lượng lớn lao động lại không được mở rộng, không có thị trường và hạn chế về sức cạnh tranh.
“Thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các tiềm năng. Do đó, tôi cho rằng khâu phát triển thị trường là quan trọng nhất để hấp thụ những lao động dư thừa hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho hay.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành dẫn kết quả nghiên cứu từ VEPR cho biết, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều cao, có thể trong tương lai sẽ là cao nhất. Và khu vực này đang tạo nên một khoảng cách rất xa so với NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Lý giải về điều này, ông Thành cho rằng vấn đề cốt lõi không phải nằm ở việc người lao động ở trong khu vực nhà nước thì hiệu quả hơn hay ưu việt hơn mà bởi vì khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực được hưởng ưu đãi rất lớn về vốn, về công nghệ và đặc biệt là độc quyền về thị trường, vì thế đầu ra của DNNN có giá trị tốt hơn. Trong khi đó, khu vực DNNN sử dụng lực lượng lao động nhỏ, hơn nữa còn ngày càng được rút ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bởi vì đang tinh giảm biên chế và tái cơ cấu.
“Khu vực doanh nghiệp tư nhân hấp thụ nhiều lao động nhưng không có cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất kinh doanh, không được trang bị nhiều thiết bị, không có kinh nghiệm, không có thị trường, không có kĩ thuật và tất cả các yếu tố đó đổ dồn lên lực lượng lao động khổng lồ tại đây làm cho năng suất bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân là cực kỳ thấp”, PGS.TS Thành trăn trở.
Về giải pháp để nâng cao NSLĐ, ông Thành cho rằng, đây là quá trình cần thời gian dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn với hàng loạt các hành động đồng bộ từ việc mở rộng thị trường cho những sản phẩm mà chúng ta đang có lợi thế, tích lũy vốn, mở rộng sản xuất cho khu vực tư nhân để họ có sự phát triển tốt hơn. Thêm vào đó, cần có nỗ lực để cải cách về tái cơ cấu và cải cách chất lượng lao động.
“Nếu muốn cải cách NSLĐ của nền kinh tế, thì nên tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần tạo ra môi trường kinh doanh để họ có thể sản xuất với mức chi phí thấp nhất, hạn chế các rào cản, từ đó cải thiện khả năng tổ chức, sản xuất, tăng năng suất lao động hiệu quả”, ông Thành nhấn mạnh và khẳng định, bên cạnh những chính sách mở của của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần tự thân trang bị kiến thức để tăng năng suất.
Lao động giá rẻ không còn là lợi thế
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, dù đã có sự nỗ lực thu hẹp khoảng cách đáng kể, song NSLĐ Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, cần có nhiều giải pháp, trong đó, cần chú trọng thay đổi môi trường, thể chế tạo ra những thuận lợi cho các ngành kinh tế tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng NSLĐ. “Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động”, ông Tuấn khẳng định
Cũng theo Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, muốn tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ cho rằng lao động giá rẻ hiện vẫn đang là một lợi thế lớn của chúng ta.
“Nếu lao động giá rẻ thì thu nhập của người lao động thấp. Ví dụ như câu chuyện của ngành y, bác sỹ Việt Nam có thể mổ số ca gấp nhiều lần các bác sỹ nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị làm ra của bác sỹ tại Việt Nam lại rất thấp, lý do là mức tiền công của bác sỹ thấp hơn các nước khác. Việt Nam nên chuyển dần suy nghĩ, không nên coi đây là lợi thế nữa. Việt Nam không thể thịnh vượng nếu lúc nào cũng nghĩ mình là lao động giá rẻ”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, để cải thiện NSLĐ, Việt Nam nên đi vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn thay vì gia công sản phẩm cho các nước như hiện nay, đồng thời cải cách thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cũng cho biết, hiện nay thị trường Việt Nam còn một lượng rất lớn lao động giá rẻ không có kỹ năng. Nhóm đối tượng này nằm mắc kẹt ở khu vực nông thôn, những địa bàn nông nghiệp, nhưng lại không thể chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Nguyên nhân do ở các khu vực kinh tế có năng suất cao hơn như công nghiệp cũng không có sự cải thiện rõ rệt trong những năm qua. Hàng Việt Nam không có sự cạnh tranh lớn, khó mở rộng thị trường, do đó không thể tạo ra việc làm cho người lao động.
Nguồn: VietQ.vn