Theo cục Hóa Chất trực thuộc Bộ Công thương, hiện nay cả nước chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thuốc nổ và phụ kiện nổ. Các doanh nghiệp này chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước như khai thác khoáng sản, thi công công trình giao thông, pháo hoa và quân sự. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường trong nước hiện nay đang giảm đi dẫn tới tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty sản xuất vật liệu nổ trở nên khó khăn. Đứng trước bài toán này, nhiều công ty đã đẩy mạnh đầu tư các dây truyền sản xuất mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các thị trường mới ở nước ngoài.
Vật liệu nổ là một lĩnh sản xuất rất nguy hiểm, trước đây dây truyền sản xuất vật liệu nổ của các công ty ở nước ta đều là các dây truyền sản xuất đã cũ, sử dụng công nghệ của Trung Quốc có từ thời những năm 70, 80. Do đó, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa còn thấp, chủ yếu vẫn sử dụng lượng nhân công lớn. Chính vì vậy, nguy cơ cháy nổ cao, mất an toàn khi vận hành và ảnh hưởng tới sức khỏe của cán bộ công nhân viên.
Để đối mặt với khó khăn này, từ năm 2009 đến 2014, các công ty đã dần dần thay thế dây truyền cũ bằng các dây truyền mới, hiện đại có xuất xứ từ châu Âu với mức độ tự động hóa cao làm giảm số lượng công nhân vận hành, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Đồng thời với đó là chất lượng sản phẩm ổn đinh hơn, các nhà máy đã có thể sản xuất được mặt hàng có chất lượng tương đương với các nước phát triển như kíp điện, dây nổ, ….
Tiêu biểu là Công ty MICCO đã thành lập một nhà máy mới sản xuất nguyên liệu amoni nitrat ở Thái Bình nhằm đảm bảo nguồn cung cho công ty, không phải phụ thuộc vào lượng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà máy trực thuộc Bộ Quốc Phòng cũng đang tiến hành đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu về quân sự và dân sự. Cụ thể, nhà máy Z121 đang thúc đẩy xây dựng dậy truyền sản xuất thuốc nổ TEN, nhà máy Z131 tiến hành chạy thử dây truyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương.
Các công ty này hiện ngoài thị trường Việt Nam đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường ra nước ngoài và đã xuất khẩu các mặt hàng đặc biệt này đến thị trường các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Đây là hướng đi đúng đắn của các doanh nghiệp ngành vật liệu nổ, giúp các doanh nghiệp đứng vững trên thị trường ngày càng khó khăn và mức độ cạnh tranh cao.
Văn phòng NSCL tổng hợp